Rồng xuất hiện trên nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, cũng như được khắc họa trên các đồ dùng trong cuộc sống. Trên các sản phẩm gốm sứ, đặc biệt là trên các loại ché mà cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên sử dụng để ủ rượu cần-một vật dụng trở thành biểu tượng văn hóa của cộng đồng, hình tượng rồng được khắc họa một cách phong phú, đa dạng.
Hình tượng rồng trên ché thời kỳ đầu nhà Minh (Trung Quốc) với mô típ “Lưỡng long tranh châu” đang được nhà sưu tầm Ngô Ngọc Tám (TP. Pleiku) lưu giữ. Ảnh: X.T |
Người Bahnar gọi rồng là Prao, người Jrai gọi là Tbrơt hoặc Tbrit. Cả người Bahnar và Jrai đều quan niệm rồng là loài vật giữ vị trí cao nhất trong tất cả các loài vật. Do đó, các loại ché có trang trí hình rồng đều được xem là ché quý, có giá trị lớn và tất cả đều có Yàng (thần linh) trú ngụ, ché càng cổ, càng quý thì sức mạnh của Yàng càng lớn.
Người Bahnar, Jrai không tự làm ra ché mà được đưa đến từ nhiều nơi khác. Vì vậy, họa tiết cũng như đặc điểm hình tượng rồng trên mỗi loại ché có những tương đồng và khác biệt nhất định.
Khác với các họa tiết rồng trang trí trên các sản phẩm gốm sứ xanh trắng, hình tượng rồng trên ché được biểu hiện một cách mộc mạc nhưng hết sức tinh tế với những nét chạm khắc đơn giản, thoáng đãng, sần sùi nhưng cũng không kém phần mềm mại, thanh thoát.
Dù xuất phát từ dòng gốm nào chăng nữa thì hình tượng rồng trên ché cổ đều có chung những mô típ như: long ngư hý thủy, lưỡng long tranh châu, long truy, long ẩn vân… với nhiều kỹ thuật chế tác khác nhau.
Hình tượng rồng trang trí trên ché thường là số nhiều và được trang trí ở nhiều phần khác nhau. Có lúc thì rồng được trang trí trên thân, trên vai hoặc rồng uốn từ thân lên vai và xoắn tròn tạo hình các tai ché; cũng có khi rồng trang trí trên thân với toàn thân cuộn mình, ẩn trong mây, vây và đuôi xòe tạo hình như những tia lửa.
Rồng trang trí trên ché mang nhiều phong cách, kỹ thuật tạo hình và đặc điểm khác nhau. Hình tượng rồng trong mô típ “Lưỡng long tranh châu” trang trí trên ché cổ thời kỳ đầu nhà Minh (Trung Quốc) với đặc điểm đầu to, mõm dài, miệng há, lưỡi vươn dài, nét mặt biểu cảm đầy uy lực; thân dài uốn lượn tương đối mềm mại, đuôi ngắn, móng như móng chim ưng, thường có 3 hoặc 4 móng, nếu rồng có 5 móng thì thường là vật sử dụng trong các gia đình quan lại, vua chúa.
Rồng với bộ móng vuốt sắc nhọn. Ảnh: Xuân Toản |
Đối với ché Gò Sành, họa tiết trang trí sức phong phú và đa dạng từ nội dung đến kỹ thuật chế tác như khắc vạch, đắp nổi, dập khuôn… Chủ đề trang trí có sự pha trộn văn hóa giữa các cộng đồng Chăm, Việt, Hoa…
Trong đó, thường thấy các mô típ hoa văn hình rồng, sư tử/kỳ lân là những linh vật biểu tượng cho sức mạnh của vương quyền, được các nghệ nhân nhân hóa cách điệu cao, mang những ý nghĩa biểu trưng cho dòng dõi quý tộc, biểu hiện tính cầu phúc, cầu lộc, tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh.
Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ nhiều ché với mô típ trang trí hình tượng rồng, trong đó tiêu biểu là những chiếc ché thuộc dòng gốm Gò Sành có niên đại khoảng thế kỷ XIV-XV.
Hình tượng rồng trên ché Gò Sành được đắp nổi với đặc điểm thân dài, đuôi giun được tạo tác một cách đơn giản, trong tư thế uốn lượn bay lên kết hợp với hình tượng sư tử/kỳ lân trên các tai ché tạo nên sự hài hòa, thống nhất giữa các họa tiết được xem là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực trong văn hóa phương Đông.
Ngoài ra, trên các dòng gốm khác như gốm Quảng Đức, Mỹ Thiện ở Nam Trung Bộ hay các sản phẩm từ dòng gốm Cây Mai, Lái Thiêu ở Nam Bộ, hình tượng rồng xuất hiện rất phong phú, đa dạng. Như vậy, có thể khẳng định, hình tượng rồng luôn là đề tài trang trí chiếm số lượng lớn trên các dòng ché có mặt ở vùng đất Tây Nguyên từ xưa đến nay. Bởi rồng thể hiện tính biểu tượng lớn và mang đến vẻ đẹp thiêng liêng, tôn nghiêm và trang trọng. Và trên hết, đó là sự giao thoa, kết nối và tiếp biến các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc qua các thời kỳ.