Cựu thuyền trưởng của Thanh Hóa chia sẻ, anh và huấn luyện viên Thành Công có nhiều điểm giống khi chia tay với đội bóng xứ Thanh.
Ảnh: H.A. |
Cuộc trao đổi của Báo Lao Động với huấn luyện viên Đức Thắng xung quanh câu chuyện huấn luyện viên Thành Công rời ghế Thanh Hóa hôm 11.9.
- Anh vàhuấn luyện viên Thành Công cùng chia tay Thanh Hóa khi Bầu Đệ lên nắm quyền tiếp quản. Câu chuyện của anh và anh Công có gì giống hay khác nhau?
"Tôi nghĩ về cơ bản, chuyện của tôi và của Công khác nhau. Tôi kí hợp đồng với FLC Thanh Hóa năm 2018. Sau đó, tôi tái kí hợp đồng vào cuối năm, cùng lúc Tập đoàn FLC không nắm đội nữa mà chuyển lại cho Bầu Đệ.
Hợp đồng của tôi sau đó không có những điều khoản ràng buộc giống với trường hợp của anh Thành Công. Do đó, tôi không bàn luận gì thêm về điều này.
Thế nhưng có một điểm chung giữa tôi và Công, chúng tôi đều là huấn luyện viên chuyên nghiệp. Chúng tôi được học và biết cách làm thế nào là đúng để xây dựng đội bóng Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện trạng tại đội bóng trong vài năm trở lại đây không phù hợp với khái niệm chuyên nghiệp. Do đó, tôi đã rời đội khi hết giai đoạn 1 của mùa 2019", huấn luyện viên Đức Thắng chia sẻ.
Huấn luyện viên Đức Thắng thời còn dẫn dắt Thanh Hóa. Ảnh: Duy Anh. |
- Trên phương diện cá nhân, nếu đang làm công tác chuyên môn nhưng lại bị can thiệp quá sâu, cảm giác của anh lúc đó sẽ như thế nào?
"Can thiệp chuyên môn có nhiều kiểu cách. Tôi cho rằng vấn đề đó sẽ có những cách nghĩ tùy mỗi người. Nhưng có một điểm chung giữa tôi và Thành Công, chúng tôi thấy rất kì quặc khi phải hỏi ai đó trước khi thay người trong mỗi trận đấu. Trong bóng đá, tình huống diễn ra rất nhanh trên sân, chúng ta không có thời gian để hội ý, hỏi han rồi mới quyết định, đôi khi chỉ là ý tưởng bất chợt. Sau đó, kết quả đội bóng ra sao, chúng ta mới cùng ngồi lại để họp bàn và giải quyết.
Những chuyện như Ban lãnh đạo yêu cầu huấn luyện viên phải hỏi trước khi thay người, vô hình chung là lời khẳng định họ không tin tưởng vào chuyên môn của nhà cầm quân. Suy cho cùng, các huấn luyện viên được thuê về để xây dựng đội bóng. Tôi nghĩ rằng, đây là sự không tôn trọng lẫn nhau", huấn luyện viên Đức Thắng chia sẻ.
- Trong thời gian sắp tới khi đội Thanh Hóa bổ sung huấn luyện viên, nếu người đó là bạn của anh, anh sẽ có chia sẻ và lời khuyên như thế nào?
"Khi tôi rời Thanh Hóa, đó đã là lời khuyên cho mọi người. Lúc ấy, nếu tôi gật đầu ở lại và làm việc theo cách không chuyên nghiệp, dù vẫn có nhiều điểm có lợi cho bản thân nhưng tôi đã quyết ra đi.
Tôi đã đắn đo rất nhiều, khi nói lời chia tay, nhiều học trò cũng níu giữ và mong một ngày sớm nhất tôi trở lại. Việc tôi rời Thanh Hóa cũng có mục đích rằng, sau này khi mọi người nhìn vào chuyện đó sẽ có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để mọi chuyện tốt lên.
Trong giới huấn luyện, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, cách làm việc và quan điểm khác nhau. Tôi nghĩ, những người thông minh đã hiểu mình cần làm gì sau những sự việc như thế. Hành động và quyết định của tôi đã thay cho câu trả lời", huấn luyện viên Đức Thắng chia sẻ.
Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ của CLB Thanh Hóa. Ảnh: H.A |
- Anh có chia sẻ gì để bóng đá Thanh Hóa đi lên trong thời gian tới khi chứng kiến cảnh 3 năm thay 5 huấn luyện viên như hiện tại?
"Tôi nghĩ bóng đá Thanh Hóa thật sự có tiềm năng vì họ có hệ thống đào tạo trẻ khá tốt. Đặc biệt, các cầu thủ rất giàu bản sắc địa phương.
Chỉ tiếc một điều, cách làm bóng đá của Thanh Hóa thay đổi quá nhiều, không lộ trình bền vững và không định hướng phát triển lâu dài. Như vậy, rất khó cho các huán luyện viên muốn đến để cống hiến.
Bóng đá Thanh Hóa cần sự thay đổi rất lớn trong cách nghĩ và cách làm. Thay đổi là điều cần thiết nhưng phải là thay đổi để tất cả tốt lên chứ không phải đi ngược lại, không thể đang từ đặt mục tiêu Top 5 lại xuống còn mục tiêu trụ hạng", huấn luyện viên Đức Thắng chia sẻ.
- Xin cảm ơn!
VIỆT HÙNG (LĐO)