Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Hồ Chí Minh-Người là mạch nguồn tỏa sáng trong thơ ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bác Hồ là con người Việt Nam đẹp nhất, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Bác là niềm tin, niềm tự hào cao cả của dân tộc ta và cả loài người tiến bộ. Tên Bác Hồ trở thành danh từ chung đẹp đẽ nhất, thân thiết nhất, gần gũi nhất, kính mến nhất. Con đường cứu nước, cứu dân và đạo đức Hồ Chí Minh mãi là mạch nguồn tỏa sáng trong thơ ca.

Trong trường ca “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa...” (Theo chân Bác-Tố Hữu). Khi ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Người thương các dân tộc trên thế giới bị áp bức: ...Á, Âu đâu cũng lòng trong đục. Vàng máu chia hai cảnh khổ giàu (Theo chân Bác-Tố Hữu). Đau đáu nhất là lòng thương dân tộc Việt của Bác. Khi rời Tổ quốc để bôn ba “bốn biển năm châu”, Người thao thức không ngủ vì nỗi lòng thổn thức của người con phải rời xa đất mẹ: “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ/Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương” (Người đi tìm hình của nước-Chế Lan Viên).

 

Ảnh tư liệu

Hơn 70 năm trước, vào một ngày Xuân năm 1941 (ngày 28-1), Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nước ngoài trở về đến Pác Bó, một bản biên giới thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Sau ngót 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Người trở về đúng thời điểm lịch sử, vạch ra phương châm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược lãnh đạo cách mạng đi đến Cách mạng Tháng Tám thành công… Bác còn làm sống dậy những tinh hoa của văn hóa dân tộc: “Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia/Ta nghe bừng tỉnh dậy/Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường/Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy/Bức tranh làng Hồ và cô tố nữ dáng quê hương” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi-Chế Lan Viên); làm đổi thay số phận của mỗi con người Việt Nam.

Thơ Nông Quốc Chấn khắc ghi hình ảnh Cụ Hồ độc đáo và bình dị, không hề tầm thường, đời thường mà vẫn vĩ đại: “Lại có Cụ Già chân đi đất, Mặc bộ quần áo Nùng, Tay cầm cái gậy mây rừng, Miệng ngậm một điếu can không khói, Bộ râu dài vừa trắng vừa đen, Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên...Cụ Già cười, vẫy chào người đứng đón” (Bộ đội ông cụ).

Sau Cách mạng tháng 8-1945, Xuân Diệu là một trong những văn nghệ sĩ nhiệt tình nhất đi theo kháng chiến, theo Đảng, Bác... (Lột xác từ bỏ thành phần giai cấp của mình, gia nhập giai cấp công nhân được kết nạp Đảng năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc), chung thủy đến trọn đời. Xuân Diệu ngợi ca Bác Hồ: “Mỗi lần tranh đấu gay go/Chúng con lại được Bác Hồ đến thăm/Nghe lời Bác dạy khuyên răn/Chúng con ước muốn theo chân của Người/Chúng con thề nguyện một lời/Quyết tâm thành khẩn lột người từ đây” (Bác dạy). Từ chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Thi kể:”Ở đây sống một người tóc bạc/Người không con mà có triệu con/Nhân dân ta gọi người là Bác/Cả đời Người là cả nước non”(Quê hương Việt Bắc). Và cũng chính từ chiến khu “thủ đô gió ngàn” này, người dân chiến khu gọi Bác Hồ bằng cách gọi thành kính và thân mật: “Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người” (Việt Bắc-Tố Hữu). Nhà thơ Thanh Tịnh đã viết những dòng thơ xúc động về hình ảnh dung dị của vị lãnh tụ dân tộc ở Việt Bắc: “Nhớ một tối giữa rừng Việt Bắc/Được xuống đò theo Bác sang sông/Đó là Bác mà sao biết trước/Tưởng Cụ già miền ngược ven sông/Dao rừng cài gọn bên hông/Gậy song cắp nách, túi vòng qua vai”(Thanh Tịnh-Trăm năm nhớ một chuyến đò, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1980). Hồ Chí Minh-Tấm gương sáng ngời về đạo đức từ những ngày đầu hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã diễn đạt về đạo đức sáng ngời của Bác: “Suốt một đời Bác đã nghĩ về ta/Nói về Đảng cũng vì dân mà nói/Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói/Ôi lòng Người đo sao hết mông mênh” (Thấm trong Di chúc).

Bác là tinh hoa của dân tộc, là đạo đức, là tình thương… Những vần thơ viết về Bác để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi chúng ta, viết về Bác là viết về một nguồn sáng vĩ đại của mọi thời đại.

Nguyễn Văn Thanh

Có thể bạn quan tâm