(GLO)- Sau 9 năm triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, trên địa bàn thị xã Ayun Pa đã có hàng trăm hộ DTTS vươn lên, có cuộc sống ổn định.
NHIỀU TẤM GƯƠNG THOÁT NGHÈO
Gia đình chị Siu H’Krốt (buôn Jứ Ama Nai, xã Ia Rtô) gồm 5 người, canh tác 5 sào bắp, 5 sào lúa nước, 1 ha mì nhưng vì không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không có kế hoạch chi tiêu hợp lý nên vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Gia đình chị Ksor H’Lem ở tổ 4 (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) được hỗ trợ 2 con bò và vay vốn hộ nghèo 15 triệu đồng để phát triển sản xuất chăn nuôi đã thoát nghèo, vươn lên có thu nhập khá. Ảnh: Đ.P |
Cuối năm 2011, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” như cơn gió mát thổi đến từng nhà, từng làng, chị Siu Krốt và nhiều hộ nghèo khác như được sáng ra. Chị được cán bộ xã, thị xã đến tận nhà vận động đi học tập, tiếp thu kiến thức, kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi. Các cán bộ phụ nữ thôn, xã còn bày cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý nên gia đình dần làm ăn phát triển, có tiền tích lũy. Chị H’Krốt phấn khởi bày tỏ: “Tôi được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ cặp dê Bách Thảo làm giống, đến giờ đã phát triển lên thành đàn dê hơn chục con. Ngoài sản xuất hết diện tích đất của gia đình, tôi thuê thêm 1 ha đất để trồng thuốc lá. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình tôi đạt hơn 190 triệu đồng/năm. Gia đình thực hiện nếp sống văn hóa mới và tích cực đóng góp các quỹ hỗ trợ địa phương xây dựng Ia Rtô thành xã đầu tiên của thị xã Ayun Pa đạt chuẩn nông thôn mới”.
Còn chị Ksor H’Lem (tổ 4, phường Cheo Reo) trước năm 2016 thuộc diện hộ nghèo vì 2 vợ chồng không có ruộng đất và nghề nghiệp ổn định, quanh năm phải đi làm thuê làm mướn, chạy ăn từng bữa. Năm 2013, gia đình chị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa cấp cho 2 con bò nuôi làm giống và được vay vốn hộ nghèo 15 triệu đồng để phát triển sản xuất. Chị còn được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo, bò, trồng mía, lúa. Chị H’Lem dần tập chăn nuôi, có thời điểm trong chuồng có đến 10 con heo nái và 30 con heo thịt cùng đàn bò 6 con; nhờ vậy chị mua thêm 8 sào lúa nước và 2 ha mía để sản xuất.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và tiết kiệm chi tiêu hợp lý nên năm 2016, gia đình chị H’Lem đã thoát nghèo, tích lũy được hơn 250 triệu đồng để xây dựng căn nhà cấp IV khang trang, mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đến nay, bình quân thu nhập của gia đình chị đạt hơn 160 triệu đồng/năm.
SỨC LAN TỎA MẠNH MẼ
Để cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” có sức lan tỏa rộng lớn, hướng đến mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động theo từng năm. Đồng thời, MTTQ thị xã hướng dẫn MTTQ các xã, phường triển khai các nội dung của cuộc vận động phù hợp với từng địa phương. Ông Trịnh Văn Lương-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Ayun Pa-cho hay: “Trên cơ sở kế hoạch hành động của MTTQ thị xã, các tổ chức thành viên và MTTQ xã, phường xây dựng chương trình hành động cụ thể của mình. Việc trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức, tiếp đó bằng hành động cụ thể, cầm tay chỉ việc giúp thay đổi cách làm của đồng bào DTTS hướng đến mục tiêu thực hiện nếp sống văn minh, xóa nghèo bền vững”.
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở thị xã Ayun Pa được hỗ trợ nuôi dê Bách Thảo đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.P |
Cùng với đó, MTTQ các cấp đã phối hợp cùng chính quyền và các ban ngành chuyên môn hướng dẫn nhân dân cách thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn rau xanh tại nhà, đưa vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, tư vấn cách chi tiêu gia đình một cách khoa học; thay đổi thói quen sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp, bố trí thời gian lao động, sinh hoạt hợp lý, triệt để thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang…
Đồng thời, xây dựng các mô hình điển hình về phát triển sản xuất, chăn nuôi, thay đổi nếp sống sinh hoạt, sản xuất phù hợp với điều kiện của các hộ gia đình và của các xã để nhân rộng trên địa bàn. Trong đó, nổi lên nhiều mô hình có sức lan tỏa mạnh, thu hút đông thành viên, hội viên tham gia như mô hình 1 nhóm 7 hộ gia đình tự góp vốn để giúp nhau phát triển kinh tế ở tổ 3, phường Cheo Reo. Đến nay, mô hình đã phát triển thành 3 nhóm gồm 25 hộ DTTS tham gia hiệu quả, giúp nhiều hộ có vốn đầu tư sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hay mô hình dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn tại xã Ia Sao thu hút hơn 10 hộ đồng bào Jrai tự nguyện hợp thửa để hình thành hơn 20 ha mía cho năng suất cao. Mô hình nuôi dê Bách Thảo tại xã Ia Rtô cũng thu hút hàng chục hộ tham gia, nâng tổng đàn dê của xã lên hơn 800 con...
Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã làm chuyển biến nhận thức, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tiếp thu học hỏi cái mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế tại chỗ. Kết quả, đầu năm 2011 thị xã có 1.244 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,85% (trong đó có 856 hộ nghèo là người DTTS, chiếm tỷ lệ 10,91% so với tổng số hộ trên địa bàn thị xã) thì đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên toàn địa bàn giảm xuống còn 271 hộ, chiếm tỷ lệ 2,91% (trong đó số hộ nghèo DTTS giảm xuống còn 197 hộ, chiếm hơn 72%). Hiện 4/4 xã của thị xã Ayun Pa đều đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
ĐỨC PHƯƠNG