Kinh tế

Doanh nghiệp

Hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí: Gian nan tìm đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù sản phẩm hồ tiêu của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã được cấp chứng nhận hữu cơ USDA và EU nhưng việc tìm đầu ra ổn định hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang là HTX đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên được cấp chứng nhận hữu cơ USDA (Mỹ) và EU (châu Âu) về cây hồ tiêu. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận cho HTX sau gần 2 năm phát triển nông nghiệp sạch, liên kết sản xuất vùng nguyên liệu tập trung nhằm nâng cao giá trị nông sản. Hiện tại, HTX đã có những sản phẩm chất lượng cao bán ra thị trường với thương hiệu hồ tiêu Lệ Chí, bao gồm: hồ tiêu hữu cơ (sạch 600 chất), hồ tiêu sạch (sạch 30 chất), hồ tiêu VietGAP. Bên cạnh đó, thành viên HTX còn có các sản phẩm khác như cà phê Đak Yang, măng le Lệ Chí, khoai mật Lệ Chí, măng tây hạt tròn, gà thả đồi ăn thảo dược… Đáng chú ý, trong năm 2018, bộ 3 sản phẩm hồ tiêu đỏ, hồ tiêu sọ, hồ tiêu đen Lệ Chí được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tháng 3-2019, Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union đã cấp chứng nhận hữu cơ USDA và EU cho các sản phẩm hồ tiêu của HTX.
 Hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.Ảnh: S.C
Hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.Ảnh: S.C
Để sản xuất hồ tiêu Lệ Chí đạt chứng nhận hữu cơ USDA và EU là một quá trình cực kỳ nghiêm ngặt. Nông dân tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hormone tổng hợp... Đặc biệt, nông dân phải ghi chép nguồn gốc tất cả vật tư đầu vào của vườn hồ tiêu. Nếu các chất bị cấm được sử dụng trên vườn bên cạnh thì vườn hồ tiêu hữu cơ phải có vùng đệm ngăn cản sự ô nhiễm hóa học và cây trồng hữu cơ phải cách vùng đệm ít nhất 6 mét.  “Về cơ bản, chi phí sản xuất hồ tiêu hữu cơ bằng hoặc thấp hơn quy trình sản xuất thông thường mà lại hạn chế được dịch hại. Tuy nhiên, trở ngại ban đầu là người trồng phải tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt, bước kế tiếp là phải làm hồ sơ chứng nhận hữu cơ bằng tiếng Anh của Control Union với chi phí tư vấn, chứng nhận, kiểm tra mẫu khá cao. Một mình nông dân rất khó thực hiện được khâu này”-chị Nguyễn Thị Thu-thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang-chia sẻ.  
Niên vụ 2017-2018, HTX chỉ có một vườn hồ tiêu 1,5 ha được Công ty Hồ tiêu Việt chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ USDA và EU do Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union cấp, sản lượng hồ tiêu hữu cơ đạt gần 7 tấn, giá Công ty thu mua, bao tiêu xuất khẩu là 120.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá thị trường. Bước vào niên vụ 2018-2019, HTX có gần 16 ha hồ tiêu đạt chuẩn hữu cơ USDA và EU với sản lượng gần 60 tấn. Trong đó, 9,3 ha liên kết tiêu thụ với 2 công ty, giá bán 82.000-85.000 đồng/kg. Với 6,5 ha còn lại,  HTX tự làm hồ sơ chứng nhận với chi phí hơn 200 triệu đồng để tìm thêm khách hàng tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang-cho biết: “Hiện nay, sản phẩm của HTX được thị trường bán lẻ và người tiêu dùng đánh giá cao, tuy nhiên đầu ra chưa nhiều. Phải ổn định đầu ra cho hồ tiêu hữu cơ thì bà con nông dân, thành viên HTX mới yên tâm theo đuổi con đường nông nghiệp sạch. Trong bối cảnh sản lượng hồ tiêu năm nay tăng nhưng mặt bằng giá bao tiêu lại thấp hơn đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý người nông dân. Do đó, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tìm kiếm đối tác, thị trường cho hồ tiêu hữu cơ”.
Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí chưa nhiều, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ. Đây là thách thức đang đặt ra cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, theo bà Nga, HTX mong muốn được chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành hỗ trợ và giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín liên kết tổ chức sản xuất hồ tiêu hữu cơ để có đầu ra ổn định với sản lượng lớn. Mặt khác, hướng dẫn HTX xây dựng phương án, kế hoạch phát triển sản xuất để tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh nhằm xây dựng và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng tầm nông sản Gia Lai đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm