Kinh tế

Hỗ trợ dân canh tác nông- lâm nghiệp trên đất nương rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để hạn chế tình trạng phá, đốt rừng làm nương rẫy và hỗ trợ, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa  (Gia Lai) đã thí điểm hỗ trợ một số người dân làng Lê Tù (xã Chư Răng) canh tác nông- lâm nghiệp trên đất nương rẫy.
Ảnh: L.N
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa, hiện trên địa bàn huyện có 3.551 ha nương rẫy đang canh tác trên đất lâm nghiệp. Trong đó 3.529 ha nương rẫy nằm trong đất lâm nghiệp được quy hoạch sản xuất, 21,4 ha nương rẫy nằm trong đất lâm nghiệp được quy hoạch phòng hộ. Có 1.370 hộ dân (1.069 hộ là người dân tộc thiểu số) sống phụ thuộc vào canh tác nương rẫy… Cùng với đó là phương thức canh tác truyền thống và tình trạng du canh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa đã tham mưu cho UBND huyện, chọn làng Lê Tù (xã Chư Răng) để xây dựng phương án thí điểm hỗ trợ người dân canh tác nông- lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy, hạn chế tối đa những tác động xấu đến tài nguyên rừng.
Dự án bắt đầu được triển khai từ tháng 3-2010 cho 12 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng diện tích 14,5 ha nương rẫy. Kinh phí thực hiện dự án trong 3 năm (2010-2012) là 73,539 triệu đồng, từ ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng quy hoạch diện tích, hiện trạng sử dụng đất nương rẫy của từng hộ gia đình, sau đó định hướng canh tác trong thời gian tới, giao nương rẫy và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để họ có thể sản xuất nông- lâm nghiệp trên đất nương rẫy ổn định và lâu dài.
Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông là trồng mì cao sản trên đất được giao, đồng thời còn được hỗ trợ giống mì cao sản KM94, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Ông Trương Quốc Việt- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa hy vọng: “Hiện trên địa bàn huyện có hơn 75% là người dân tộc thiểu số, nguồn sống chính của họ dựa vào canh tác nương rẫy. Thu nhập kinh tế gia đình dựa vào các sản phẩm như lúa, bắp, mì, đậu, đỗ là chính… cho nên đời sống còn rất khó khăn. Dự án sẽ giúp cho người dân biết cách canh tác, phát triển kinh tế trên một diện tích ổn định và hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Đây là biện pháp hiệu quả để triển khai và thực hiện tốt phương án quản lý canh tác nương rẫy trên toàn huyện. Sau khi thực hiện xong phương án thí điểm tại làng Lê Tù chúng tôi sẽ tiến hành áp dụng để nhân rộng mô hình này ra trên địa bàn toàn huyện”.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm