(GLO)- Trong nền kinh tế thị trường, sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, nhất là với những địa phương có khả năng phát triển loại hình doanh nghiệp này.
Gia Lai là một địa phương như vậy. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Gia Lai sẽ góp phần quan trọng giúp sự phát triển kinh tế trong tỉnh trở nên đồng đều giữa các vùng, tạo nền cho sự phát triển kinh tế toàn tỉnh.
“Đông tay vỗ nên kêu”, sự hiệu quả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là ở số đông, nhưng phải là số đông hoạt động và có thể tồn tại một cách thực sự, chứ không phải thành lập rồi… giải thể. Vì thế, dù vẫn biết đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng là rất quan trọng nhưng chất lượng hoạt động và sức sống thực sự còn quan trọng hơn bội phần. Không nên quá chú trọng đến chuyện “vận động” thành lập doanh nghiệp nếu những hộ kinh doanh chưa đủ khả năng về nhiều mặt để chuyển đổi, vì như thế chúng ta có thành tích về số lượng để báo cáo năm này, nhưng sang năm sau lại phải công bố số doanh nghiệp phá sản hay ngừng hoạt động.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Gia Lai sẽ góp phần quan trọng giúp sự phát triển kinh tế trong tỉnh. (ảnh internet) |
Sự phát triển thị trường luôn là một hoạt động tự nhiên, theo đúng quy luật thị trường. Mọi sự ép uổng để đi tới số lượng những mô hình nào đó sẽ dẫn tới sự gượng ép và không hiệu quả. Sự gia tăng số doanh nghiệp nhỏ và vừa ngừng hoạt động đã nói lên thực tế ấy.
Vì thế, song song với những quy định mới của Nhà nước nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cần có chính sách thông thoáng, cởi mở hơn để doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận nguồn vốn, dễ tìm đầu ra cho sản phẩm, dễ thuê mướn mặt bằng, được cung cấp những kỹ năng về sử dụng công nghệ mới và mọi thủ tục hoạt động được giải quyết nhẹ nhàng, minh bạch, tránh mọi tác động làm khó. Tất cả những điều ấy cần được công khai cho mọi doanh nghiệp được biết, kể cả doanh nghiệp đã thành lập và đang hoạt động lẫn những hộ kinh doanh có nguyện vọng chuyển đổi thành doanh nghiệp.
“Bỏ con săn sắt bắt con cá rô” cũng là một chủ trương mà Nhà nước rất nên chú ý thực hiện, nên vì những lợi ích lớn hơn, bền vững hơn mà “khoan sức” doanh nghiệp nhỏ và vừa. Miễn giảm thuế cho loại hình doanh nghiệp này trong 3 năm cũng là một cách nghĩ thực tế, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới thành lập có cơ hội phát triển, đúng như một đại diện của Bộ Tài chính đã nhấn mạnh: “Việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách vào những năm sau”. Vì một thực tế là “thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tác động vào doanh nghiệp làm ăn có lời, còn đối với các doanh nghiệp làm ăn cầm chừng, khó khăn thì việc thuế tăng hay giảm cũng không tác động trực tiếp tới hoạt động của họ”-ông Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam-cho hay.
Năm 2018, tỉnh Gia Lai có 772 doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có tới 188 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Điều này đặt ra vấn đề là làm thế nào để công tác phát triển doanh nghiệp đạt được cả số lượng lẫn chất lượng, hạn chế tối đa số doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Như thế, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới chỉ là một phần của mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp, phần lớn hơn phải là chất lượng hoạt động thực tế của các doanh nghiệp mới thành lập. Tránh mọi con số tăng trưởng doanh nghiệp một cách hình thức, tránh những báo cáo trên bề nổi chính là để đi sâu vào những doanh nghiệp mới thành lập nhưng có khả năng hoạt động bền vững. Chỉ với những doanh nghiệp như thế, những chính sách hỗ trợ của nhà nước mới có tác dụng thực sự.
THANH THẢO