Xã hội

Lao động - Việc làm

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 237 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 28 HTX do phụ nữ quản lý, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tỷ lệ HTX do phụ nữ làm chủ còn khá khiêm tốn, trong khi đây là mô hình sản xuất tập thể đã ra đời từ lâu, đặc biệt có nhiều phụ nữ tham gia.

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) do bà Trần Thị Tầm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã tạo việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có trên 60% là lao động nữ tại địa phương. Hiện HTX đã xây dựng 1 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận.

Bà Tầm cho biết: “Hợp tác xã hiện có 36 thành viên, trong đó có 15 thành viên thuộc diện hộ nghèo người Bahnar. Chúng tôi hoàn toàn tự tin về chất lượng sản phẩm, nhưng cần được hỗ trợ về mặt chính sách, cầu nối để giới thiệu sản phẩm. Tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng là hỗ trợ đầu ra cho nông dân”.

Lao động nữ làm việc tại HTX May gia công An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: M.C

Lao động nữ làm việc tại HTX May gia công An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: M.C

Tương tự, HTX May gia công An Phú (TP. Pleiku) được thành lập năm 2018 với tổng vốn điều lệ ban đầu là 600 triệu đồng. Đây cũng là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu được Hội Phụ nữ hỗ trợ. Nhằm khuyến khích mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã hỗ trợ HTX 15 máy may và 1 máy vắt sổ; UBND TP. Pleiku hỗ trợ 10 triệu đồng. Qua kênh của Hội LHPN, HTX được tiếp cận nguồn vốn vay trên 200 triệu đồng giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động nữ, HTX còn tạo việc làm cho 2 lao động nữ bị bệnh đao với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Rơ Chăm HHồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939), Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ 250 ý tưởng khởi nghiệp có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh với tổng vốn 11,4 tỷ đồng; đồng thời, hỗ trợ 11 doanh nghiệp, 1 HTX do phụ nữ làm chủ vay vốn với dư nợ 76 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Đối với các mô hình, tổ liên kết có tiềm năng phát triển, các cấp Hội hỗ trợ về kỹ thuật, tập huấn kiến thức, quy trình thành lập, tiếp cận vốn vay và kết nối các nguồn lực hỗ trợ HTX.

Đầu năm 2023, Chính phủ phê duyệt Đề án 01 “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Bên cạnh mục tiêu củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, Đề án còn đề ra mục tiêu thành lập mới 750 HTX do phụ nữ tham gia quản lý. Đề án được giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì với mong muốn quá trình triển khai giúp phụ nữ có cơ hội việc làm. Trong đó, ưu tiên phát triển các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ tại các địa phương có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.

Gia Lai có nhiều mô hình phù hợp với tiêu chí đề án, có thể phát triển thành HTX. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh vào đầu năm nay, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá cao các tổ liên kết, câu lạc bộ dệt truyền thống. Đến thăm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, mô hình rất phù hợp với các tiêu chí của Đề án 01. Do đó, Hội Phụ nữ cần quan tâm, hỗ trợ xây dựng đề án phát triển Câu lạc bộ Dệt làng Phung trở thành HTX. Bởi khi thành lập HTX sẽ có rất nhiều lợi ích, giúp các chị có điều kiện vay vốn, đặc biệt là tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình của Nhà nước về phát triển mô hình kinh tế tập thể. Đây cũng là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch với các nội dung phù hợp với đề án, lấy ý kiến các cấp, ngành để trình UBND tỉnh xem xét. Đây được xem là “cú hích” để thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, giúp họ có cơ hội phát huy nội lực, phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình bình đẳng giới.

Có thể bạn quan tâm