Xã hội

Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người dân: Còn hạn chế, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nhờ đó đã tiếp cận được các dịch vụ y tế trong khám-chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ hạn chế, vướng mắc.

Hỗ trợ hàng ngàn lượt người dân

Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh vừa tổ chức đợt giám sát tại Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh và các huyện: Ia Pa, Đak Đoa, Đức Cơ, Ia Grai; đồng thời, giám sát qua báo cáo đối với BHXH các huyện, thị xã còn lại về việc thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh liên quan đến chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT giai đoạn 2018-2020. Theo đó, trong 3 năm, toàn tỉnh có gần 192,5 ngàn lượt người thuộc 4 nhóm đối tượng (hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ cơ bản khác không thiếu hụt BHYT; hộ cận nghèo; gia đình làm nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình có đông con gặp khó khăn về kinh tế) đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT với số tiền gần 30,7 tỷ đồng. Quỹ BHYT cũng đã thanh toán trên 213,8 tỷ đồng cho gần 455,8 ngàn lượt người (trừ nhóm đối tượng học sinh, sinh viên) đi khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2021 có thêm hơn 82,6 ngàn người được ngân sách hỗ trợ mức đóng BHYT với số tiền hơn 15,2 tỷ đồng. Chính sách này không chỉ giúp người dân giảm gánh nặng về chi phí khám-chữa bệnh, đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT hàng năm trên toàn tỉnh.

 Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh với BHXH tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh với BHXH tỉnh. Ảnh: Mộc Trà


Xã Kdang (huyện Đak Đoa) là một trong những địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT. Toàn xã hiện có 2.704 hộ với trên 10.669 khẩu (dân tộc thiểu số chiếm hơn 42%). Giai đoạn 2018-2021, trên 7.230 lượt người dân trong xã tham gia và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Phú cho biết: Hàng năm, ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp với BHXH và chỉ đạo thôn, làng tiến hành bình xét theo tiêu chí, đảm bảo đúng quy định và không bỏ sót đối tượng. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn xã đạt 80%.

Tương tự, tính đến cuối tháng 9-2021, toàn huyện Ia Pa có khoảng 42,8 ngàn người tham gia BHYT (chiếm 73% dân số); trong đó, gần 40 ngàn người được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Ông Nguyễn Hữu Hạ-Giám đốc BHXH huyện-thông tin: Giai đoạn 2018-2020, địa phương đã phân bổ ngân sách hơn 347 triệu đồng để hỗ trợ cho 1.926 người tham gia BHYT thuộc hộ cận nghèo và hộ nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Nhiều khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT đặc biệt là các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng có lúc, có nơi chưa kịp thời, dẫn đến người dân chưa tích cực tham gia. Bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh-phân tích: Nhóm đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, tính cả mức hỗ trợ mua BHYT 70% của Trung ương và 30% của tỉnh, họ đương nhiên được hưởng miễn phí. Riêng những người thuộc 2 nhóm đối tượng hộ làm nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình đông con gặp khó khăn về kinh tế, để được hưởng mức hỗ trợ 50% (30% từ Trung ương và 20% từ ngân sách tỉnh), họ buộc phải đóng 50% để mua thẻ BHYT. Vì thế nếu không thống kê, rà soát kỹ và tuyên truyền có chiều sâu tới từng nhóm đối tượng thì sẽ khó đạt hiệu quả. Qua thực tế giám sát tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ người tham gia BHYT ở 2 nhóm này khá thấp và không bền vững giữa các năm.

Đơn cử, ở nhóm gia đình làm nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình, huyện Krông Pa trong 3 năm (2018-2020) chỉ có 45 lượt người tham gia. Còn ở nhóm đối tượng học sinh, sinh viên thuộc gia đình đông con gặp khó khăn về kinh tế, các huyện Krông Pa, Ia Pa không có đối tượng tham gia, Chư Pưh có 2 lượt năm 2018, Mang Yang 2 lượt năm 2020, thị xã Ayun Pa có 4 lượt người trong năm 2018 và 2020… Nguyên nhân được đưa ra là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo, tuyên truyền và thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, nhất là phát triển đối tượng tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân; chưa xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên sâu rộng ở cộng đồng dân cư; đời sống người dân còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tham gia BHYT còn hạn chế…

Bảo hiểm Xã hội tỉnh cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về BHYT sâu rộng hơn nữa trong nhân dân. Ảnh: Mộc Trà
Bảo hiểm Xã hội tỉnh cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về BHYT sâu rộng hơn nữa trong Nhân dân. Ảnh: Mộc Trà
Ngày 4-6-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7). Theo quyết định này, toàn tỉnh có 271.554 người bị tác động, trong đó có 160.396 người dân tộc thiểu số không còn được ngân sách cấp hoặc hỗ trợ mua BHYT. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT cũng bị kéo giảm từ 90,5% xuống còn 82%; riêng người dân tộc thiểu số tham gia BHYT giảm 17% (chỉ còn 65%).

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho đối tượng được hỗ trợ mức đóng chưa thường xuyên; vẫn còn tình trạng cấp trùng thẻ, sai sót thông tin trên thẻ BHYT. Việc cấp thẻ BHYT có trường hợp còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đi khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, đến nay, kinh phí hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng theo nghị quyết của HĐND tỉnh trong 2 năm 2020, 2021 vẫn chưa được bố trí, mặc dù đã cấp thẻ và phát sinh chi phí khám-chữa bệnh BHYT. “Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, nguồn kinh phí thực hiện bố trí từ ngân sách địa phương, 20% Quỹ kết dư BHYT và các nguồn hợp pháp khác theo quy định. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông báo kết dư Quỹ BHYT của cơ quan có thẩm quyền nên Sở Tài chính chưa cấp kinh phí thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng”-Giám đốc BHXH tỉnh Trần Văn Lực lý giải.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách BHYT trong thời gian đến, đoàn giám sát đã thống nhất kiến nghị Trung ương sửa đổi tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên từ 30% lên 50% vì đây là đối tượng sống phụ thuộc vào bố mẹ, chưa có thu nhập; đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ đóng BHYT cho số đối tượng là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng vừa được công nhận khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về phía UBND tỉnh cần tiếp tục tham mưu HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về BHYT mà tỉnh đã đề ra. Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT; chỉ đạo cấp xã kiểm tra, rà soát, lập danh sách các đối tượng một cách chính xác và cấp phát thẻ BHYT kịp thời cho người dân…

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm