Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hỗ trợ phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp nhưng còn lúng túng trong việc biến ý tưởng thành hiện thực; có người hiện thực hóa thành những mô hình kinh doanh nhưng lại chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý… Đây là những cái yếu và thiếu gây khó cho phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp.
Những mô hình khởi sự kinh doanh
Hơn 10 năm nay, chị Mai Thị Diện (thôn Hiệp Phú, xã Cư An, huyện Đak Pơ) luôn duy trì đàn dê lên đến hàng trăm con. Theo chị Diện, nơi chị ở gần núi, thức ăn rất dồi dào, đặc biệt là nhiều cây dược liệu nên đàn dê sinh trưởng tốt, hầu như không bệnh tật gì. Ngoài đầu tư vốn mua giống, người chăn nuôi không tốn thêm kinh phí mua thức ăn. Chị Diện cho biết: “Hiện nay, nhu cầu dê giống và dê thịt trên thị trường đều rất lớn. Sau hơn 10 năm nuôi dê, tôi đã có sẵn đầu mối tiêu thụ nhưng hầu như luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Vì vậy, tôi muốn mở rộng quy mô chăn nuôi để nâng cao hiệu quả nhưng lại không biết sẽ quản lý và điều hành như thế nào cho hợp lý”.
  Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Co.op Mart ký kết hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp cho phụ nữ. Ảnh: N.B
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Co.op Mart ký kết hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp cho phụ nữ. Ảnh: N.B
Đây không chỉ là vấn đề của riêng chị Diện mà một số phụ nữ cũng gặp phải khi có ý tưởng khởi nghiệp. Chị Phạm Thị Phong (thôn Châu Sơn, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) nhiều năm nay làm nghề nấu rượu, nuôi heo. Đây là công việc khá phù hợp với phụ nữ nông thôn như chị. Trong quá trình sản xuất, chị nhận thấy các mặt hàng thực phẩm sạch do mình làm ra rất được thị trường ưa chuộng. “Ban đầu chỉ là vài người hàng xóm chung nhau “đụng” một con heo, rồi người ta giới thiệu nhau kéo tới mua heo thịt của tôi ngày càng nhiều. Sau đó, tôi còn nuôi thêm gà, vịt, nuôi tới đâu bán hết tới đó. Tôi chỉ cho gia súc, gia cầm ăn hèm rượu nên hầu như đàn vật nuôi không bị bệnh. Ngay cả khi dịch tả heo châu Phi hoành hành thì đàn heo nhà tôi vẫn khỏe mạnh”-chị Phong kể. Trước nhu cầu quá lớn của thị trường, chị Phong cũng tính đến phương án mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm nhưng còn e ngại do thiếu kinh nghiệm quản lý.
Điều dễ nhận thấy là các mô hình sản xuất như của chị Diện, chị Phong mới chỉ dừng lại ở bước khởi sự kinh doanh. Muốn mở rộng quy mô lớn hơn đòi hỏi họ phải có kiến thức, kỹ năng quản lý kinh doanh. Mà đây đều là những cái yếu và thiếu của phụ nữ nói chung khi khởi nghiệp.
Khơi thông nhiều vướng mắc
Nắm bắt được nhu cầu học hỏi, nâng cao kiến thức của chị em để khởi sự kinh doanh, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều mô hình, việc làm phù hợp với tình hình địa phương để kịp thời hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn lập kế hoạch kinh doanh cho phụ nữ. Theo bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Hội, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được các cấp Hội triển khai từ năm 2017 đến nay và có sức lan tỏa sâu rộng với hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ. Song cái khó hiện nay của chị em là chưa biết làm thế nào để biến ý tưởng thành kế hoạch kinh doanh và triển khai thực hiện. “Mục tiêu của chúng tôi là từ những lớp tập huấn như thế này, các chị sẽ biết cách lập kế hoạch kinh doanh với kiến thức, kỹ năng cơ bản. Các kế hoạch phải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cá nhân và thực tế. Những ý tưởng khởi nghiệp đạt các tiêu chí này sẽ được lựa chọn để tham gia ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2020. Nhưng đó chỉ là một phần, quan trọng hơn là sau đó phải áp dụng được vào thực tế để phát triển kinh tế gia đình, và từ hộ kinh doanh cá thể có thể trở thành những doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.
Chị Pel (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) mặc dù là Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm hàng chục năm nay nhưng kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Chị cho biết: “Cái khó lớn nhất là sản phẩm không tìm được đầu ra. Vì thế, tham gia lớp tập huấn lập kế hoạch kinh doanh, mình quan tâm đến các nội dung như làm thế nào để tìm kiếm, mở rộng thị trường, đồng thời học hỏi kinh nghiệm kinh doanh thành công của các mô hình tương tự”. Chị Mai Thị Diện lại quan tâm đến cách làm thế nào để điều hành một mô hình chăn nuôi đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn trong nông nghiệp. “Kinh nghiệm chăn nuôi thì mình khá tự tin, song các kỹ năng quản lý tài chính, kế hoạch sản xuất… đều là những thứ khá mới mẻ. Mình cần học hỏi nhiều mới mạnh dạn để triển khai mô hình”-chị Diện nói.
Nhằm hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ, ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho chị em phụ nữ về mặt thủ tục, hồ sơ để sản phẩm có điều kiện tham gia vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị. Bên cạnh đó, khi sản xuất kinh doanh, chị em cần lưu ý đầu tiên đó là nhu cầu thị trường, các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận. Đảm bảo được các tiêu chí này, Siêu thị sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ”.
NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm