Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.

Nhập cuộc đường đua khởi nghiệp xanh

Mới đây, Dự án “Xây dựng vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ gắn với sản xuất và thương mại các sản phẩm trà thảo dược hòa tan” của chị Nguyễn Thị Thu Trang (Công ty TNHH Dược thảo LiLa, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đã xuất sắc giành giải nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Dự án tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết toàn quốc dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 10-2024 tại Hà Nội.

0them-Các đồng chí lãnh đạo tham quan các gian hàng sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Ảnh: M.C

“Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cũng là chủ đề cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm nay do Hội LHPN tỉnh tổ chức, thu hút 105 dự án/ý tưởng của phụ nữ toàn tỉnh.

Ban tổ chức đã lựa chọn 20 dự án phù hợp với tiêu chí của cuộc thi để trao giải. Các dự án, ý tưởng đều hướng đến sản phẩm sạch, chỉ dẫn địa lý tin cậy về nguồn gốc và phương thức sản xuất, tiệm cận với các yêu cầu chuyển đổi xanh.

Đến từ vùng biên giới Ia Lâu (huyện Chư Prông), chị Hà Thị Thuẩn giành giải nhì với Dự án “Thương hiệu lúa Đài Thơm-Ia Lâu”. Chị cho biết: Thay đổi phương thức sản xuất để xanh hóa ngành nông nghiệp là một quá trình đòi hỏi sự thay đổi tư duy, nhận thức của cả cộng đồng.

Mặt hàng lúa gạo là thế mạnh của địa phương nên chúng tôi càng nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh, coi đó vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để phụ nữ chứng tỏ tiềm lực của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hạn chế của chúng tôi hiện nay là sản phẩm chất lượng nhưng yếu trong khâu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chuyển đổi số để tiêu thụ sản phẩm

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ trên các sàn thương mại điện tử, qua cách livestream bán hàng. Dưới sự hướng dẫn, chia sẻ của các chuyên gia, nội dung này thu hút sự quan tâm của đông đảo chị em.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh-bg.jpg
Người dân tham quan, tìm hiểu mặt hàng được làm từ thổ cẩm của Câu lạc bộ Dệt làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh 2024. Ảnh: M.C

Bà Võ Thị Thu Hà (cơ sở may Thu Hạnh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) từng làm thiết kế cho một công ty của Đức từ năm 1993. Đến năm 2013, do sức khỏe suy giảm nên bà nghỉ việc và bắt đầu khởi nghiệp với ngành hàng may mặc.

“Tôi mày mò bán hàng trên Shopee, Tiki, Lazada nhưng vì không có kỹ năng, kinh nghiệm nên hiệu quả thấp, lượng tương tác rất ít. Khi tham gia ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, tôi vỡ ra nhiều thứ, nhất là kỹ năng livestream bán hàng. Cần phải chỉn chu từ tinh thần, thần thái, diện mạo bên ngoài, cách giới thiệu sản phẩm, cách tạo video để nâng khả năng lên xu hướng trên TikTok… Hội LHPN còn hỗ trợ chúng tôi các khóa học miễn phí về ứng dụng công nghệ số để bán hàng và tôi đăng ký học ngay”-bà Hà nói.

Còn chị Nguyễn Thị Bé-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát (TP. Pleiku) thì cho biết: Công ty của chị kinh doanh 2 lĩnh vực chính là thực phẩm và mỹ phẩm. Sản phẩm của Công ty đã đưa lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và các kênh bán hàng khác như Zalo, TikTok, Facebook.

“Chúng tôi áp dụng chiến lược bán hàng đa kênh, cả truyền thống và ứng dụng công nghệ số. Gần đây, doanh số bán trên các nền tảng số đang có xu hướng tăng, chiếm khoảng 55-58%. So với phương thức bán hàng truyền thống thì bán trên sàn thương mại điện tử nhiều lợi thế, tiết kiệm chi phí nên chúng tôi ưu tiên hơn. Thông qua các kênh hỗ trợ khởi nghiệp của Hội LHPN, các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp tôi được trang bị thêm kiến thức, tự tin hơn khi bán hàng”-nữ doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2023 chia sẻ.

3-Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ được đầu tư về bao bì, mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh.jpg
Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ được đầu tư về bao bì, mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: M.C
4Cá cơm sông Sê San-đặc sản địa phương đượ chội viên phụ nữ huyện Ia Grai giới thiệu tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp.jpg
Cá cơm sông Sê San-đặc sản địa phương được hội viên phụ nữ huyện Ia Grai giới thiệu tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: M.C

Bà Dương Thị Ngọc Linh-Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển-thông tin: Năm 2022, Trung tâm đã vận hành gian hàng thương mại điện tử chính hãng trên nền tảng Shopee để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp do phụ nữ Việt Nam làm chủ theo Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Đồng thời, Trung tâm triển khai nhiều hoạt động, trong đó có các hội thảo giới thiệu và kết nối hỗ trợ phụ nữ tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

“Thông qua các hoạt động tổ chức tại tỉnh Gia Lai, chúng tôi mong muốn hỗ trợ chị em hội viên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung cầu. Đồng thời, giúp doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thông tin, công nghệ mới để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, khẳng định và nâng cao vai trò của Hội LHPN trong thực hiện các hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, giúp họ có cơ hội phát triển bình đẳng”-Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình “Giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người” và Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024 diễn ra từ ngày 27 đến 29-9 có các hoạt động như: trưng bày 44 gian hàng giới thiệu các sản phẩm được sản xuất, nuôi trồng theo quy trình sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm của hội viên phụ nữ đạt giải trong các cuộc thi khởi nghiệp qua các năm; hội thảo giới thiệu và kết nối hỗ trợ địa phương tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử; hướng dẫn phụ nữ Gia Lai ứng dụng công nghệ số trên hành trình khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn livestream bán hàng…

Có thể bạn quan tâm