Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Hỗ trợ trẻ mầm non vùng khó Gia Lai vững tin vào lớp 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, các cơ sở giáo dục mầm non thuộc vùng khó tỉnh Gia Lai còn chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi, giúp các bé vững tin bước vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt

Cách trung tâm huyện Mang Yang khoảng 40 km, Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar) có 1 điểm trung tâm và 6 điểm trường lẻ. Năm học này, toàn trường có 9 lớp với 345 trẻ, trong đó có 127 trẻ 5 tuổi. Theo cô Phạm Thị Ánh Ngọc-Hiệu trưởng nhà trường, với gần 98% học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) nên rào cản lớn nhất chính là khả năng nghe-nói tiếng Việt còn hạn chế. Vì vậy, hàng năm, nhà trường đề ra kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ, nhất là đối với trẻ 5 tuổi trong tất cả các hoạt động. Khi dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS, giáo viên thường bắt đầu bằng những từ ngữ hay câu đơn giản, quen thuộc rồi mới đến những từ khó và câu phức tạp hơn. Bản thân giáo viên cũng phải tự học tiếng Bahnar để hiểu được ngôn ngữ của trẻ, thường xuyên gần gũi, trò chuyện để giúp các bé lĩnh hội tiếng Việt một cách tốt nhất.

Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) xây dựng thói quen học tập tự giác cho trẻ 5 tuổi thông qua giờ đọc sách tại thư viện. Ảnh: Mộc Trà

Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) xây dựng thói quen học tập tự giác cho trẻ 5 tuổi thông qua giờ đọc sách tại thư viện. Ảnh: Mộc Trà

“Qua rà soát, toàn trường hiện có khoảng 70% trẻ 5 tuổi đã thông thạo, tự tin nói tiếng Việt. Số còn lại, chúng tôi đang cố gắng bồi dưỡng cho các bé; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với gia đình để cùng giúp trẻ nâng dần khả năng nghe-nói tiếng Việt dưới sự hỗ trợ của các bộ đồ dùng, đồ chơi do giáo viên tạo ra. Sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức các hội thi như: Kể chuyện bằng tiếng Việt, Bé nhanh trí… nhằm trang bị thêm kiến thức và tăng cường tiếng Việt cho trẻ”-cô Ngọc thông tin.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, vợ chồng anh Đinh Tin (làng Đôn Hyang, xã Đê Ar) cũng thường xuyên dạy con trai 5 tuổi học tiếng Việt tại nhà. “Chúng tôi thay nhau chỉ con học thẻ bằng tiếng Việt vào buổi tối hoặc cuối tuần. Trong sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ cũng cố gắng nói chuyện với con bằng tiếng phổ thông; từ nào khó hiểu mới dùng tiếng Bahnar để giải thích. Sau mỗi ngày như thế, con đã quen dần với việc giao tiếp tiếng Việt. Hy vọng năm sau lên lớp 1, con có thể theo kịp các bạn”-anh Tin tâm sự.

Đứng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn, nhiều năm qua, Trường Mẫu giáo Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) cũng có nhiều nỗ lực trong dạy và học. Hiệu trưởng nhà trường Trần Thị Hiên nhận định: Nếu trẻ ở vùng thuận lợi được cha mẹ chăm lo chu đáo về kiến thức, kỹ năng trước khi vào lớp 1 thì trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS thường ít được phụ huynh quan tâm. Tất cả gần như phó mặc cho nhà trường. Chính sự khác biệt này khiến các cơ sở giáo dục ở vùng khó phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể giúp trẻ chuẩn bị hành trang, tâm thế sẵn sàng lên lớp 1.

Cũng theo cô Hiên, năm học 2022-2023, Trường Mẫu giáo Đak Rong có gần 100 học sinh 5 tuổi; trong đó, tại điểm trường chính có 1 lớp với hơn 30 trẻ, số còn lại theo học lớp ghép 3 độ tuổi ở 8 điểm lẻ tại các làng. Đầu năm học, căn cứ vào khung chương trình và bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (5 lĩnh vực với 120 chỉ số) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), giáo viên sẽ phân bổ cụ thể theo từng tiết dạy và duy trì trong suốt năm học.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) hướng dẫn trẻ làm quen với số đếm. Ảnh: Mộc Trà

Giáo viên Trường Mẫu giáo Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) hướng dẫn trẻ làm quen với số đếm. Ảnh: Mộc Trà

“Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực phát triển nhận thức cho trẻ; ưu tiên tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức và ở mọi lúc mọi nơi, sao cho trẻ nắm bắt, phát âm và nhận biết đúng chữ cái, số và mọi vật. Trong quá trình dạy, nếu trẻ phát âm bằng tiếng địa phương, giáo viên phải điều chỉnh ngay để các bé sử dụng tiếng Việt. Riêng những trẻ tiếp thu chậm, các cô sẽ tranh thủ rèn thêm cho trẻ ngoài giờ. Đặc biệt, môi trường chữ viết được tăng cường trong và ngoài lớp học để trẻ tiếp cận với tiếng Việt một cách chủ động và tự nhiên nhất”-cô Hiên cho biết.

Trang bị kỹ năng

Ngoài phát triển ngôn ngữ, các trường mầm non vùng khó còn tập trung trang bị cho trẻ tâm lý và những kỹ năng cần thiết để các bé tự tin khi lên lớp 1. Cô Phạm Thị Ánh Ngọc phân tích: Đối với trẻ 5 tuổi, hoạt động vui chơi giữ vai trò chủ đạo, song khi vào lớp 1, trẻ phải làm nhiệm vụ của một học sinh với hoạt động chủ yếu, mang tính chất bắt buộc là học tập. Trong khi đó, trẻ em DTTS hầu như chưa được xây dựng thói quen học tập tự giác, đặc biệt là biết cách tự học. Nhằm giúp trẻ dần hình thành thói quen này, nhà trường đang áp dụng biện pháp giao bài tập về nhà để trẻ hoàn thành dưới sự hỗ trợ của cha mẹ. Ngoài ra, các cô giáo còn rèn cho trẻ kỹ năng tự lập như: tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng, quần áo, tự đi vệ sinh, tự phục vụ bản thân.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi phải dạy lớp ghép 3 độ tuổi nhưng cô Trần Thị Lý-giáo viên Trường Mẫu giáo Đê Ar vẫn cố gắng dành nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng mềm cho trẻ 5 tuổi. “Tại điểm trường làng Ar Dôch Kơtu có 44 trẻ 3, 4, 5 tuổi đang theo học, trong đó trẻ chuẩn bị vào lớp 1 có 17 bé. Ngoài tăng cường tiếng Việt, tôi còn dạy trẻ các kỹ năng mềm thông qua các trò chơi, hoạt động giáo dục trong và ngoài lớp học. Tôi cũng thường xuyên tạo cơ hội để trẻ tự tin giao tiếp, biết cách nói ra nhu cầu hay mong muốn khi cần sự hỗ trợ của cô giáo, bạn bè”-cô Lý chia sẻ.

Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS được các trường vùng khó đặc biệt chú trọng. Ảnh: Mộc Trà

Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS được các trường vùng khó đặc biệt chú trọng. Ảnh: Mộc Trà

Việc cho trẻ 5 tuổi đến tham quan, làm quen với môi trường học tập ở bậc tiểu học cũng đang được nhiều trường mầm non vùng khó áp dụng. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đak Rong cho hay: “Vì điểm trường chính gần với trường tiểu học nên giáo viên cho trẻ sang tìm hiểu, giao lưu với anh chị lớp 1; riêng các điểm trường lẻ, trẻ sẽ được xem qua video giới thiệu về trường tiểu học. Hoạt động này nhằm kích thích lòng mong mỏi, háo hức được đến trường của trẻ. Các bé cũng sẽ dần ý thức được việc học tập ở trường tiểu học và trường mầm non khác nhau như thế nào, từ đó không bị bỡ ngỡ khi lên lớp 1”.

Bé Đinh Thị Diễm Kiều (5 tuổi, Trường Mẫu giáo Đak Rong) nói: “Nhờ các cô chỉ dạy, giờ con đã biết đọc bảng chữ cái, đếm số từ 1 đến 10. Con biết tự vệ sinh cá nhân, gấp chăn khi ngủ dậy, không được đi theo người lạ và tránh xa nơi nguy hiểm. Các cô cũng giới thiệu và cho con đến tham quan trường tiểu học. Con rất thích được học lớp 1”.

Tương tự, Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) cũng chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cho 150 trẻ 5 tuổi; tư thế ngồi, cách cầm bút… chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho các bé vào lớp 1. Cô Lê Thị Bình-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Trường có 1 điểm trung tâm và 4 điểm lẻ với khoảng 50% học sinh DTTS. Tuy nhiên, đa số trẻ đều giao tiếp tiếng Việt khá thông thạo. Vì vậy, chúng tôi chủ yếu tập trung rèn luyện kỹ năng, thể chất và thẩm mỹ cho trẻ dựa trên bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mà Bộ GD-ĐT ban hành. Giáo viên phân luồng trẻ trong lớp để tập trung giảng dạy theo khả năng của trẻ, không cào bằng mọi đối tượng cho một nội dung, phương pháp giáo dục.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho hay: Đầu năm học, Sở có hướng dẫn cụ thể về triển khai nhiệm vụ năm học ở bậc mầm non. Trong đó, bám sát vào Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành; mục tiêu của Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học; 120 chỉ số của bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi… Riêng ở vùng khó, vùng DTTS, chúng tôi yêu cầu các trường dựa trên bối cảnh địa phương, khả năng nhận thức của trẻ để có những cách giáo dục khác nhau chứ không dạy theo cảm tính của giáo viên. Trước tiên phải giúp trẻ hiểu và giao tiếp được bằng tiếng Việt, sau đó mới tiến tới tiếp cận những kỹ năng khác.

“Hầu hết giáo viên đã tích cực chủ động tìm hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc, làm giàu phương ngữ, hiểu được phong tục tập quán của từng dân tộc để áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp; đồng thời, biết vận dụng các điều kiện sẵn có ở địa phương để tổ chức các trò chơi phù hợp độ tuổi, các hội thi, buổi tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh… Nhờ đó, kỹ năng sống và giao tiếp của học sinh mầm non vùng DTTS ngày càng được cải thiện; trẻ mạnh dạn, tự tin hơn và phá vỡ được những rào cản trên hành trình chuẩn bị vào lớp 1”-bà Huệ đánh giá.

Có thể bạn quan tâm