Kinh tế

Doanh nghiệp

Hỗ trợ ứng dụng giải pháp thương mại điện tử vào kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử (TMĐT) vào hoạt động kinh doanh.

Đây là hoạt động nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng trên môi trường trực tuyến,

Livestream cùng những câu chuyện giàu cảm xúc

Chị Trần Thị Mỹ Loan-đại diện hộ kinh doanh Ngọc Thạch (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) cho hay: Livestream bán hàng đang trở thành kênh tương tác tạo ra sự kết nối với khách hàng. Ở mỗi phiên livestream, người bán với cách chuyển tải những câu chuyện thú vị về sản phẩm gắn với quê hương mình sẽ kích thích sự tò mò và chạm đến cảm xúc của người mua.

Vì vậy, trong mỗi phiên livestream, chị Loan luôn chuẩn bị những câu chuyện về văn hóa ẩm thực của người dân địa phương, thường bắt đầu bằng việc giới thiệu về vùng đất, khí hậu, điều kiện chăn nuôi cũng như nguồn cảm hứng để chế biến món đặc sản này.

“Thời gian trước, tôi chỉ quen với cách bán hàng truyền thống. Sau khi được hướng dẫn cách thức livestream, tôi dần tiếp cận với hình thức bán hàng này và mạnh dạn lên sóng. Qua các phiên livestream bán hàng, tôi nhận thấy nhiều khách hàng bày tỏ sự thích thú khi nghe những câu chuyện tôi kể.

Khi khách hàng có thêm thông tin về vùng đất với những nét đẹp văn hóa, từ đó tạo nên sự khác biệt trong mỗi món ăn, mỗi đặc sản, họ lại càng yêu thích và lựa chọn sản phẩm nhiều hơn. Không chỉ livestream, tôi còn làm một số video về sản phẩm, về vùng đất Krông Pa để lan tỏa những đặc sản quê mình”-chị Loan chia sẻ.

Chị Trần Thị Mỹ Loan (thứ 2 từ trái sang)-đại diện hộ kinh doanh Ngọc Thạch chia sẻ câu chuyện về văn hóa ẩm thực của người địa phương trong buổi livestream. Ảnh: V.T

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cũng khiến người xem cảm thấy cuốn hút từ cách đặt tên cho đến ý tưởng sâu xa của sản phẩm.

Chị Nga cho hay: “Vùng nguyên liệu làm ra cà phê Đak Yang được trồng tại 2 xã Nam Yang và Hải Yang của huyện Đak Đoa. Theo tiếng Bahnar, “đak” nghĩa là nước, “yang” nghĩa là thần trời. Hạt cà phê được nuôi dưỡng bằng nước của thần trời.

Với phương pháp canh tác hữu cơ thuần tự nhiên của cha ông ta ngày xưa là dựa vào thổ nhưỡng, khí hậu, hạt cà phê có hương vị đặc biệt. Rồi đến thu hoạch, chúng tôi chọn lựa hái quả chín mọng, sơ chế để lên men tự nhiên, sau đó phơi, rang và chế biến thành phẩm. Tùy cách chế biến sẽ cho ra nhiều sản phẩm khác nhau.

Thương hiệu Cà phê Đak Yang đã ra đời mang theo nhiều tâm huyết, hoài bão của những người nông dân”. Theo chị Nga, việc tự mình kể về câu chuyện sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem trên livestream, bởi không ai khác chính mình là người làm ra sản phẩm nên hiểu rõ nhất về sản phẩm và truyền tải thông điệp chân thật, cảm xúc nhất.

Hiện nay, nhiều người đã từng bước vượt qua được những ngại ngùng ban đầu sau mỗi lần livestream. Đại diện một số cơ sở chia sẻ rằng: Thời gian đầu, có những phiên livestream chỉ lác đác một vài người xem. Nhưng nếu kiên trì theo đuổi mục tiêu thì dần dần sẽ có nhiều người biết đến, từ đó số lượng người theo dõi kênh sẽ tăng.

Chị Hồ Hoài Thu (sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) với kênh “Cô gái Chư Sê” trên nền tảng TikTok Shop cho biết: Nhận thấy Gia Lai có tiềm năng tiêu thụ mạnh trên kênh online với các sản phẩm đặc trưng, tôi đã tạo dựng được đội nhóm và mở văn phòng ở Chư Sê nhằm tận dụng nguồn nhân lực trẻ ở huyện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương đi xa hơn. Hiện có rất nhiều chủ thể sản xuất ở Gia Lai đã liên hệ kết nối đưa sản phẩm lên sàn TikTok Shop như: tiêu Lệ Chí, bò khô chị Ba, tinh dầu bơ, cà phê, mật ong…

“Vừa qua, tôi về Pleiku cùng hướng dẫn và thực hiện livestream với các anh chị ở đây. Mọi người ai cũng phấn khởi và sẵn sàng tiếp cận với xu hướng nền tảng mới này. Mỗi một sản phẩm là mỗi quá trình làm. Do đó, qua cách truyền tải câu chuyện đã gợi lên một cảm xúc về vùng đất, con người và sản phẩm nơi đây”-chị Thu nói.

Hỗ trợ khởi sự kinh doanh trực tuyến

Theo bà Quách Thị Tuyết-Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật (Bộ Công thương), khởi sự kinh doanh trực tuyến là quá trình bắt đầu một hoạt động kinh doanh trên nền tảng internet, bao gồm các bước từ ý tưởng kinh doanh đến triển khai hoạt động bán hàng, tiếp thị và quản lý thông qua các công cụ trực tuyến. Gia Lai có nhiều sản phẩm đặc sản, mang nét đặc trưng riêng. Đây là thế mạnh để cho các nhà sản xuất phát triển thị trường.

Đồng thời, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh ở Gia Lai đã tiếp cận đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT khá nhiều và bán trên nền tảng mạng xã hội cũng rất mạnh. Do đó, các nhà sản xuất phải đánh giá nội tại của mình từ nguồn nhân lực, sản phẩm, trang-thiết bị, cơ sở vật chất, cho đến khảo sát thói quen mua hàng trên các nền tảng của khách.

“Ngày nay, sự bùng nổ của livestream bán hàng đang mang lại rất nhiều cơ hội cho người sản xuất kinh doanh. Vì vậy, bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng để livestream thành công, người bán nên khai thác câu chuyện về sản phẩm, bởi bán hàng livestream không chỉ là bán sản phẩm, đó còn là “bán” cảm xúc.

Bằng chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, người bán hàng sẽ kể về câu chuyện của sản phẩm, từ ý tưởng, nguồn gốc đến quá trình nuôi trồng, chế biến thế nào, tạo việc làm cho người địa phương ra sao, rồi cách đưa sản phẩm ra thị trường và tiếp nhận sự phản hồi của người tiêu dùng...

Những câu chuyện như vậy sẽ làm cho người xem thấy chân thật, gợi lên nhiều cảm xúc, dễ thuyết phục để họ đi đến quyết định mua hàng”-bà Tuyết nói.

Ở mỗi phiên livestream, người bán với cách chuyển tải những câu chuyện thú vị về sản phẩm sẽ kích thích sự tò mò và chạm đến cảm xúc của người mua. Ảnh: V.T

Nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật (Bộ Công thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên, TikTok Shop và các đơn vị giải pháp chuyển đổi số tổ chức các chương trình tập huấn, tiếp cận hình thức livestream bán hàng trên các nền tảng số, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng và giải pháp kinh doanh mới trên các sàn TMĐT.

Từ đó mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng trực tuyến. Đơn cử, hồi tháng 9 vừa qua, tại phiên livestream bán hàng nông sản tỉnh trên nền tảng TikTok Shop với sự dẫn dắt của nhà sáng tạo nội dung Ninh Quế Anh, trong vòng 4 giờ đồng hồ, phiên livestream đã kích cầu cho gần 100 sản phẩm đặc sản của Gia Lai như: Mật ong Phương Di, Muối chấm Cô Hai Tây Nguyên, Mắc ca Gia Lai, Trà đậu đen Nam Phúc… tiếp cận mốc 149 ngàn lượt xem và tạo ra gần 800 đơn hàng.

Hiện nay, TMĐT đã trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa. Người dân thay đổi thói quen từ phương thức mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng trực tuyến.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 139 xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Khoảng 20% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn như Lazada, Shopee, Sendo, các ứng dụng di động và mạng xã hội như Facebook, Zalo… Tỷ trọng doanh thu TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm khoảng 8%.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển TMĐT tại các chợ truyền thống, đặc biệt là hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các kênh phân phối mới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua việc phối hợp với các sàn TMĐT Shopee, TikTok Shop… xây dựng chương trình ngày hội sản phẩm đặc sản Gia Lai, tuần lễ sản phẩm Gia Lai trên sàn TMĐT, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của từng huyện theo mùa (như mắc ca, chôm chôm, chanh dây…).

Tổ chức các sự kiện TMĐT thường niên mang tính kích cầu cho thị trường trong nước, duy trì hoạt động thường xuyên sàn giao dịch TMĐT của tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tỉnh trên môi trường trực tuyến.

Đồng thời, xây dựng các chương trình nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài; triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tích cực tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới như Amazon, Alibaba…

Có thể bạn quan tâm