Kinh tế

Nông nghiệp

Hỗ trợ xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đó là mong muốn mà các chủ trang trại và nông dân đã bày tỏ tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai diễn ra sáng 27-12 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Tham dự hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng gần 200 đại biểu là chủ trang trại và hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh.
Mong được hỗ trợ chứng nhận truy xuất nguồn gốc nông sản
Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được coi trọng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt 28.521 tỷ đồng, tăng gần 5,5% so với năm 2018. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao đã đem lại thu nhập tăng thêm 30-40% trên một đơn vị diện tích. 
 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: H.D
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: H.D
Tuy nhiên, năm 2019 cũng xảy ra nhiều dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Giải pháp khắc phục trước mắt mà ngành nông nghiệp đề ra là khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Đối với diện tích hồ tiêu bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như: cà phê, chanh dây, chuối Nam Mỹ, bơ, sầu riêng... Những diện tích mía đạt năng suất dưới 65 tấn/ha, diện tích mía trồng trên đồi cao thiếu nước hoặc đang bị nhiễm bệnh trắng lá nặng thì chuyển sang trồng mì, bắp; những diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút thì chuyển sang trồng bắp, đậu đỗ các loại”. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sau khi dịch tả heo châu Phi được khống chế, cơ quan chức năng đã khuyến khích người dân tiếp tục tái đàn và phải đảm bảo điều kiện nuôi nhốt cũng như thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch bệnh như: mua con giống có nguồn gốc, tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Cũng tại hội nghị, một số nông dân phản ánh vẫn còn tình trạng bán dạo cây giống, con giống không đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Tấn Mường (huyện Ia Grai) phản ánh: “Tại địa phương chúng tôi xuất hiện khá nhiều người đi bán dạo cây giống, con giống, phân bón không đảm bảo chất lượng. Người nông dân không biết cứ mua về trồng hoặc nuôi thì sau một thời gian, cây trồng, vật nuôi đều chết hoặc không hiệu quả. Chúng tôi mong cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết, kiểm soát vấn đề này”. Đồng thời, ông Mường cũng đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản do nông dân làm ra vì chi phí cho việc này hiện nay khá cao.
Xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng là những vấn đề được nhiều nông dân đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng để có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ. Ông Nguyễn Duy Đô (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) giãi bày: “Hiện nay, người tiêu dùng đã không còn tin vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Vì vậy, nông dân làm ra sản phẩm bắt buộc phải xây dựng thương hiệu, giữ thương hiệu. Tôi trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại Kon Gang từ năm 2010. Lâu nay, trái cây Kon Gang được đánh giá là ngon và ngọt. Chính vì vậy, nhiều người đã lợi dụng điều này, lấy cam từ ngoài Bắc vào nhưng gắn mác cam Kon Gang. Việc này hiện không kiểm soát được. Tôi mong chính quyền quan tâm hỗ trợ nông dân làm ra được sản phẩm an toàn, phát triển sản xuất bền vững và kiểm soát được những sản phẩm đội lốt để việc xây dựng thương hiệu không còn khó khăn”.
Liên quan tới vấn đề xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Nam Hải-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: “Đây là việc cần thiết để khẳng định thương hiệu nông sản Gia Lai. Tuy nhiên, theo quy định, khoản chi phí được trả cho việc chứng nhận VietGAP căn cứ vào thỏa thuận giữa bên đề nghị chứng nhận và tổ chức chứng nhận. Còn các vấn đề liên quan, chúng tôi cũng hỗ trợ người dân hết sức trong quyền hạn của mình”.
Muốn được tiếp cận vốn vay
Thuê đất và vốn vay cũng là vấn đề được các chủ trang trại và hội viên Hội Nông dân quan tâm đề xuất. Ông Trương Thanh Hoàng-thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Hoài Thương (huyện Chư Sê) bày tỏ: “Để HTX phát triển một cách bền vững và có chiều sâu, chúng tôi mong địa phương nghiên cứu cho thuê đất tại cụm công nghiệp để có thể đầu tư xây dựng nhà xưởng hay những hạ tầng cần thiết phục vụ hoạt động của HTX. Chúng tôi cũng rất mong được tiếp cận các nguồn vốn vay. Hiện không có ngân hàng nào cho HTX vay vì không có tài sản thế chấp”.
ng Trương Thanh Hoàng-thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Hoài Thương (huyện Chư Sê) phát biểu. Ảnh: H.D
Ông Trương Thanh Hoàng-thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Hoài Thương (huyện Chư Sê) phát biểu. Ảnh: H.D
Trả lời ông Trương Thanh Hoàng và một số hội viên Hội Nông dân có ý kiến về việc tiếp cận vốn, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đưa ra hướng giải quyết: “Tôi muốn hỏi là các thành viên có thể lấy vốn của mình cho HTX vay được không? Nghĩa là hội viên bảo lãnh cho HTX vay vốn bằng tài sản của mình. Vì hiện tại, nông dân được cho vay không cần thế chấp lên đến 150 triệu đồng. Đối với các trang trại, mức cho vay không cần thế chấp lên đến 1 tỷ đồng, chỉ cần có sự xác nhận của lãnh đạo địa phương. Hoặc nếu có dự án chuỗi giá trị, liên kết thì ngân hàng có thể cho vay tối đa 70% giá trị dự án”.
Ông Nguyễn Văn Cư thông tin thêm, từ đầu năm 2019, Chính phủ đã nâng mức cho vay đối với người nghèo lên tối đa 100 triệu đồng, thời hạn tối đa 10 năm. Nếu chưa thoát nghèo, chưa thanh toán được thì các hộ có thể gia hạn. Tại Gia Lai, vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho vay 15 chương trình, đối với hộ cận nghèo và nghèo, vốn đáp ứng đầy đủ. “Đối với những hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, ngành Ngân hàng rất chia sẻ. Tuy nhiên, việc mưa kéo dài liên tục 4 tháng không được công nhận là thiên tai, dịch bệnh nên không được khoanh nợ. Đối với các hộ có hồ tiêu chết, ngân hàng đang còn 2.000 tỷ đồng chưa thu hồi được, mong bà con và ngành Ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn. Tôi nghĩ những năm tiếp theo, số nợ này chưa chắc thanh toán được nên người dân cần tới ngân hàng để cơ cấu gia hạn nợ, chứ đừng trốn nợ”-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đề nghị.
Ghi nhận với những kiến nghị, đề xuất của các chủ trang trại và hội viên Hội Nông dân tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: “Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết về phát triển rau củ quả, hoa trên địa bàn, nhưng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn là câu chuyện dài kỳ. Trong khi thời gian qua, thời tiết trên địa bàn không thuận lợi, như dịch chết hồ tiêu vừa qua. Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh phải nghiên cứu làm sao để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng”. Đối với hoạt động của HTX, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá đây là mô hình tự giác, tự nguyện, tự chủ về kinh phí hoạt động nhưng khâu liên kết chưa hiệu quả. Vì vậy, phải tăng cường liên kết hơn nữa giữa HTX với doanh nghiệp để giải quyết vấn đề khó khăn về vốn. “Cần tổ chức nhiều cuộc đối thoại, nhưng đối thoại là phải giải quyết cho được vấn đề, nhất là những bức xúc của dân, những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh. Còn những vấn đề thuộc cấp trên thì tỉnh tập hợp lại để tiếp tục đề nghị tháo gỡ. Các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực tổ chức đối thoại với nông dân để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm