Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Hoa bỉ ngạn có nghĩa gì mà gây 'sốt' trên mạng xã hội?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lướt mạng xã hội trong những ngày này, không khó bắt gặp nội dung về ý nghĩa loài hoa bỉ ngạn. Vậy chúng có ý nghĩa gì và vì sao nhiều bạn trẻ lại thích bắt "trend" này?

"Bỉ ngạn đỏ, hồi ức đau thương..."

Gõ từ khóa "ý nghĩa những màu hoa bỉ ngạn" trên mạng xã hội sẽ có rất nhiều video liên quan đến nội dung này. Đây là "trend" mới của giới trẻ trong những ngày gần đây. Xu hướng này được cho là xuất phát từ tài khoản TikTok có tên @manchausa96, với nội dung về ý nghĩa những màu hoa bỉ ngạn.

Dù đăng tải từ tháng 10.2022, nhưng đến nay video này bỗng trở nên nổi tiếng, hiện có trên 4,1 triệu lượt xem, yêu thích và bình luận từ cộng đồng mạng.

Ý nghĩa của những màu hoa bỉ ngạn. CHỤP MÀN HÌNH
Ý nghĩa của những màu hoa bỉ ngạn. CHỤP MÀN HÌNH

"Bỉ ngạn đỏ, hồi ức đau thương; bỉ ngạn vàng, vĩnh viễn không gặp lại; bỉ ngạn trắng, sự tinh khiết; bỉ ngạn xanh, hy vọng tương lai sẽ gặp lại", là lời thoại trong video được ghép với nền nhạc bài hát Day By Day (nhóm T-ara trình bày). Trên nền nhạc là hình ảnh về những bông hoa bỉ ngạn đỏ, vàng, trắng, xanh.

Nội dung video có phần suy tư, trầm buồn khi nói màu sắc của loài hoa liên quan đến sự chia lìa, xa cách. Thế nhưng, trong mắt bạn trẻ Việt, "trend" ý nghĩa những màu hoa bỉ ngạn lại khá hài hước.

Anh Hồ Thúc An, ngụ tại đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), nói trong những ngày qua dù lướt Facebook hay TikTok đều thấy nội dung liên quan đến hoa bỉ ngạn. "Xem video này, mình cảm nhận nó hơi sến sẩm nhưng nhiều người thấy vui. Mình đã đăng bài viết liên quan đến loài hoa bỉ ngạn, được khá nhiều bạn bè tương tác, thả icon haha", anh An chia sẻ.

Bạn trẻ bắt "trend" ý nghĩa màu hoa bỉ ngạn. CHỤP MÀN HÌNH

Bạn trẻ bắt "trend" ý nghĩa màu hoa bỉ ngạn. CHỤP MÀN HÌNH

Còn với góc nhìn truyền thông, ThS Nguyễn Bích Thủy, giảng viên một trường ĐH tại TP.HCM, cho rằng "trend" hoa bỉ ngạn được đông đảo bạn trẻ đón nhận vì đi ngược lại với xu hướng hoa đào, cúc, mai quen thuộc vào dịp tết. "Dù video này đã có từ những năm trước nhưng cư dân mạng vô tình chia sẻ lại, thành ra hoa bỉ ngạn tuy cũ nhưng mới, lạ", cô Thủy nói.

Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Bích Thủy, thông điệp ý nghĩa các màu hoa đi kèm nền nhạc và giọng đọc kiểu ngôn tình lại "hạp" với thị hiếu của người trẻ hiện nay, không những vậy, cả nghệ sĩ cũng đua nhau bắt "trend" này.

Ngoài ra, mỗi một màu hoa mang ý nghĩa riêng, như một câu chuyện thu nhỏ và vô tình đánh trúng tâm lý của bạn trẻ. Những ai có sự từng trải, hòa cùng tâm trạng sẽ chia sẻ mạnh mẽ. Cũng có người biến tấu, sáng tạo thêm nhiều yếu tố hài hước, độc lạ tùy vào cảm nhận của riêng mình.

Thạc sĩ Bích Thủy cũng nói thêm từ khi trở nên phổ biến khắp các trang mạng xã hội, không ít nhãn hàng, sản phẩm dịch vụ đã khai thác chất liệu hoa bỉ ngạn để tận dụng quảng bá thương hiệu một cách sáng tạo.

Loài hoa có nghĩa không bao giờ gặp lại

Theo bài viết "Hoa loa kèn nhện đỏ phát triển mạnh ở Tứ Xuyên" đăng tải trên CGTN, ngày 17.9.2019, hoa loa kèn nhện đỏ cũng là tên gọi khác của bỉ ngạn. Nó xuất phát từ hình dáng đặc biệt của hoa, với phần nhị kéo dài và cong về phía sau, giống chân của con nhện.

Hoa bỉ ngạn phân bố rộng rãi trên thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng thường nở từ tháng 7 đến tháng 9, cuối hè đến đầu mùa thu. Nếu đến Trung Quốc vào thời gian này, bạn có thể bắt gặp những "biển" hoa bỉ ngạn rực rỡ ở các tỉnh Vân Nam, Giang Tô và Chiết Giang.

Không giống những loài hoa khác, hoa và lá của bỉ ngạn thường không xuất hiện cùng nhau. Những chiếc lá chỉ mọc sau khi hoa tàn. Ngoài ra, củ, hoa, lá và thân cây bỉ ngạn đều có độc. Nếu nhà có trẻ em hoặc vật nuôi nên cân nhắc kỹ trước khi trồng loài hoa này.

Hoa bỉ ngạn đỏ. CHỤP TỪ CGTN

Hoa bỉ ngạn đỏ. CHỤP TỪ CGTN

Tờ Yonhap News ngày 17.9.2020 cũng có bài viết về hoa bỉ ngạn này với tiêu đề "Loài hoa có nghĩa không bao giờ gặp lại". Theo đó, hoa bỉ ngạn trong tiếng Hàn được gọi là "sangsahwa". Truyền thuyết kể rằng loài hoa này sẽ nở vào lúc bạn nhớ người mà mình không thể gặp lại. Điều này có lẽ dựa trên việc hoa và lá của bỉ ngạn "không bao giờ gặp nhau", một trong hai luôn héo tàn trước khi loài kia mọc lên.

Có thể bạn quan tâm