Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu: Đi đến cùng "cuộc chơi nghệ thuật"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây vài hôm, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu rất vui khi thông báo rằng bà đã dời hoạt động của xưởng sơn mài và công ty mỹ thuật quảng cáo về nơi khác, dành toàn bộ không gian ngôi nhà số 31 Ama Quang (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) để trưng bày tác phẩm tranh sơn mài. Điều ấy khẳng định tinh thần đi đến cùng “cuộc chơi nghệ thuật” dù khổ công.
5 năm trước, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu ra mắt gallery (phòng tranh cá nhân) sau nhiều năm ấp ủ. Tuy nhiên, do bận rộn với công ty mỹ thuật quảng cáo nên sự đầu tư cho gallery vẫn chưa tương xứng. Mong muốn tạo một điểm đến hấp dẫn cho du khách khi dừng chân nơi Phố núi cũng chưa hoàn thành, dù trước đó từng có vài đoàn khách, kể cả khách nước ngoài đến tham quan gallery.
Giờ thì 2 gian phòng rộng rãi đều được dành để trưng bày tranh sơn mài với khoảng 50 bức, khổ nhỏ nhất 40x40 cm, khổ lớn nhất 160x180 cm. Trong điều kiện Gia Lai chưa có trung tâm triển lãm đúng chuẩn, gallery này là một không gian thưởng lãm sang trọng hiếm hoi.
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tại phòng tranh cá nhân. Ảnh: Phương Duyên
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tại phòng tranh cá nhân. Ảnh: Phương Duyên

Như mạch nguồn xuyên suốt, tranh của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu từ trước đến nay vẫn trung thành với chủ đề Tây Nguyên. Những chuyển động trong đời sống văn hóa, tinh thần của xứ sở cao nguyên, từ bung biêng lễ hội đến dung dị sinh hoạt thường ngày đều tự nhiên đi vào tranh của bà với hình tượng người phụ nữ làm chủ đạo. Trong tiếng mưa rất nhẹ, dưới ánh đèn soi tranh vàng mơ, những bức “Men rừng”, “Hồn núi”, “Đường về”, “Giã gạo”, “Giao cảm”… lay động bao cảm thức sâu xa. Vẫn giữ nét quý phái của tranh sơn mài truyền thống, chúng đồng thời chuyển tải thành công nét hoang mộc, có phần gồ ghề của vùng đất và con người xứ núi. Nhiều tác phẩm trong số này đã được chủ nhân chọn tham gia các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước.

Theo đuổi dòng tranh sơn mài gần 25 năm qua, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chưa thôi say mê “cuộc chơi nghệ thuật” này. Gọi là “cuộc chơi” nhưng rất kén người và khắc nghiệt, nếu không đam mê thì khó lòng đi đến tận cùng. Từ những bức rất trong về cảm xúc, càng về sau, tranh của bà càng khẳng định độ chín của kinh nghiệm, kỹ thuật. Nữ họa sĩ trải lòng, một số bức không hẳn là đẹp nhưng gắn với nhiều kỷ niệm, giờ có vẽ lại cũng không sao ôm trọn cảm xúc như xưa. Một trong số đó là bức “Lễ hội pơ thi” (khổ 80x120 cm) đạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên năm 2002. Dù đã bán cho một người quen ở TP. Nha Trang nhưng gần đây, bà liên hệ mua lại để trưng bày tại gallery. 
“Dạo này, mỹ thuật Gia Lai có phần trầm lắng. Vì vậy, tôi muốn làm gì đó để không khí sôi động hơn”-nữ họa sĩ chia sẻ lý do dốc sức cho phòng tranh. Cùng với mong muốn đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng rộng rãi hơn, bà hy vọng sẽ kết nối một số công ty du lịch để đưa gallery này thành điểm đến cố định trong các tour tuyến. Do vậy, ngoài tranh, tại đây còn trưng bày một số sản phẩm như: bầu khô, gáo dừa trang trí sơn mài với những họa tiết, hoa văn bắt mắt. Nữ họa sĩ cho biết, tới đây, bà sẽ làm phong phú thêm các “sản phẩm du lịch bỏ túi” nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách như: tượng gỗ dân gian (đặt tượng của các nghệ nhân, sau đó trang trí sơn mài), tranh khổ nhỏ (20x20 cm)… Ngoài việc tìm hiểu một phần đời sống văn hóa nghệ thuật Phố núi, du khách đến đây sẽ “khó lòng” về tay không. 
Tham quan phòng tranh, họa sĩ trẻ Nguyễn Nguyên Bút không khỏi trầm trồ: “Không gian gallery rất đẹp, ấn tượng. Trong không gian này, ta có thể cùng ngồi trò chuyện, ngắm tranh, tìm hiểu nghệ thuật sơn mài, rất thú vị. Nếu có bạn bè ở xa đến, mình sẽ đưa tới đây tham quan”. 
Không chỉ giới hạn với những tác phẩm cá nhân, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu còn bày tỏ mong muốn gallery này trở thành “ngôi nhà chung” trưng bày tranh của một số đồng nghiệp có cùng tình yêu hội họa, biến phòng tranh thành nơi gặp gỡ, đi về của những người đồng điệu. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm