Điểm đến Gia Lai

Hoài niệm tìm trầm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm 1979-1983, trầm hương lên cơn sốt. Ai có dịp theo các chuyến "tàu chợ" dọc các tỉnh từ Nghệ An trở vào sẽ thấy từng tốp người vai lặc lè ba lô, tay lỉnh kỉnh cuốc, rìu lầm lũi tiến về các dãy núi miền Tây mù mịt. Đó là những người đi tìm trầm. Và tôi thật sửng sốt khi tại Pleiku này cũng gặp một đội quân đồng hương.
Số là, thời còn sinh viên, vào tháng nghỉ hè, tôi cũng từng đi tìm trầm. Cứ nghĩ tôi ở trong này thì chắc là… thạo rừng núi và chưa quên nghề, họ tìm tôi để nhờ làm "hướng đạo". Bấy giờ, tôi đang nghỉ phép nằm chơi không ở nhà bạn, nghe có người bứt khỏi tâm trạng chán chường thì bất chấp đi ngay…
Ngoài tên chung, trầm hương còn có tên gọi khác là “kỳ nam”, “dó bầu”. Trong Đông y, trầm là một vị thuốc dùng để chữa các bệnh hen suyễn, bí tiểu tiện, đau ngực, nôn ói… Tuy nhiên, nếu chỉ để làm thuốc thì trầm hương đã không đắt đến thế. Phần giá trị lớn nhất của nó là về hương phẩm. Trầm là thứ định hương và nó là thứ chất thơm cao cấp nhất.
Từ xa xưa, trầm Việt Nam vốn đã được coi là “vật thơm đệ nhất dân gian” và sớm nổi tiếng thế giới, giá vào hàng cao nhất. Một người Bồ Đào Nha đến Việt Nam thế kỷ XVI đã ghi lại rằng: Tại chợ Hội An, giá một gốc trầm hương nặng gần 500 gram lên tới 8 lượng vàng. Còn năm 1956, tại Nha Trang, giá 1 kg trầm hương quy ra vàng xấp xỉ 20 lượng. Tuy đắt nhưng khách vẫn chuộng trầm ta vì chất lượng tốt. Dưới các triều đại phong kiến, trầm là một thứ cống phẩm không thể thiếu. Chơi trầm, đốt trầm là một thứ thưởng thức quý tộc của giới quan lại, vua chúa.
Chút hiểu biết sơ về trầm hương ấy một phen lại kích thích cái máu phiêu lưu vặt trong tôi. Vậy là, theo sự gợi ý của tôi, hành trình của chuyến tìm trầm được bắt đầu từ Kbang, vòng qua Kon Plông, xuôi về Kon Tum và kết thúc ở đó…
Thời bấy giờ, rừng tuy đã bị khai thác khá nhiều nhưng khi tiến vào vùng lõi vẫn đậm đặc đại ngàn. Thậm chí, có những cánh rừng gần như chưa có dấu chân người. Chúng tôi cứ sáng thức dậy nấu cơm ăn rồi vắt theo một nắm cho bữa trưa; tìm cho đến chập tối thì dừng chân ở một con suối nào đó, làm một chiếc lều tạm để nghỉ qua đêm đến sáng mai lại tiếp tục cuộc săn tìm. Có lẽ cũng chẳng phải kể nhiều về nỗi vất vả của chuyến đi khi thường trực dưới chân là sên, vắt; quanh mình là muỗi, ruồi vàng và nỗi sợ mơ hồ có thể bất chợt gặp thú dữ.
Sau 2 ngày săn tìm cần mẫn mà vẫn chưa bắt gặp cây dó nào, sự hăm hở trong chúng tôi bắt đầu chùng xuống. Hóa ra, đâu phải rừng nào cũng có cây dó trầm. Kinh nghiệm cho thấy, dó là một thứ cây giàu tính cộng đồng, ít khi đứng tách biệt một mình. Hễ tìm thấy 1 cây chắc hẳn quanh đó sẽ có những cây khác.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Xin nói thêm điều này: Không như nhiều loại cây cứ đến tuổi thì có lõi, cây dó tích trầm theo quy tắc riêng của nó. Từ những dòng nhựa li ti như sợi tóc, cây cứ lặng lẽ chuyển từ cành xuống thân rồi tụ lại, cũng có khi thành khối dưới gốc, cũng có khi tản mát mỗi nơi mỗi chút trong thân. Quy tắc này còn tùy thuộc vào thổ nhưỡng ở vị trí cây mọc nữa, thế nên có những cây dó bầu to cả người ôm mà bổ ra chỉ toàn gỗ trắng hếu; ngược lại, có cây chỉ bằng cột nhà lại đã có trầm.
Tuy nhiên, theo cách gọi của dân tìm trầm thì đây chỉ mới là loại “trầm xô”, thứ “kỳ nam” mới thật đặc biệt: Đó là thứ trầm thu được khi cây dó đã già lụi, nhựa tụ lại thành khối, đen đặc, cứng như đá; có hình dạng tựa bắp chuối hay một con vật nào đó tùy theo trí tưởng tượng. Tất nhiên là kỳ nam vô cùng hiếm, giá có thể đắt gấp hàng chục lần loại bình thường. Với dân tìm trầm, kỳ nam luôn là giấc mơ; chỉ mong được vài cân trầm loại 1 cũng đủ “lên đời”.
Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định chuyển hướng qua Kon Plông. Phải mất thêm gần 2 ngày xuyên rừng nữa, chúng tôi mới tìm thấy cây dó đầu tiên. Cây mới bằng bắp chân nhưng lại là dấu hiệu sẽ tìm thấy nhiều cây khác khiến ai nấy đều mừng rỡ. Chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào rừng. Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng vụt tắt. Đã có một đội quân săn trầm đến trước chưa lâu. Những cây dó bị đào trốc gốc ngổn ngang bên miệng hố sâu hoắm. Cả những cây chỉ nhỉnh hơn bắp chân cũng đã bị băm nát để thăm dò.
Đứng ngẩn ngơ một lúc lâu trước “bãi chiến trường”, ông Diễn quyết định hạ trại tại đây. Tiếp tục tìm nữa cũng chỉ giẫm lại dấu chân của người đi trước mà lương thực thì đã gần cạn. Bòn đãi lại những thứ họ bỏ đi may ra còn kiếm lại được tiền mua gạo… Vậy là, chúng tôi tỏa ra tìm kiếm. Cứ miếng gỗ dó nào có được chút nhựa, dù chỉ bằng hạt bắp cũng đẽo gọt cho gần hết phần dác rồi mang tới cho ông Diễn.
Ông Diễn dùng chiếc đục hình lòng máng nhỏ bằng đầu đũa xoi mói, loại đi từng chút gỗ dác. Trông ông khổ công và say mê như một người thợ bạc chạm đồ trang sức. Sản phẩm cuối cùng của ông là miếng gỗ với những chút nhựa trầm đính nhau trông như một bức chạm khắc thật vui mắt. Giá trau chuốt chúng thành một thứ đồ mỹ nghệ có lẽ còn có giá hơn là được liệt vào hạng “trầm xô” kia.
Mấy chục năm qua, nghề tìm trầm đã lụi tàn. Vào những cánh rừng tự nhiên còn sót lại bây giờ, có bói chắc cũng chẳng thấy bóng hình 1 cây dó trầm nào nữa. Trầm hương bây giờ chỉ còn là một thứ cổ tích trong những cánh rừng huyền thoại mịt mùng sương khói tháng năm…
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm