Chuyện tương lai của các cầu thủ ở Hoàng Anh Gia Lai có thể sẽ mở ra một số vấn đề chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam.
Tương lai của một số cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai rất được quan tâm thời gian gần đây. Ảnh: VPF |
Bầu Đức độc đoán hay quá bao bọc cầu thủ?
Chuyện tương lai của một số cầu thủ câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai - chủ yếu là lứa đầu tiên tốt nghiệp Học viện, đang được nói đến khá nhiều trong những ngày qua. Truyền thông, báo giới có những thông tin (có thể tin thực tế, cũng có tin chỉ là đồn đoán) về các bến đỗ mới của họ.
Khá trùng hợp, những thông tin này xuất hiện ở thời điểm đội bóng phố núi trải qua 4 trận liên tiếp không thắng, dù trước đó họ có 5 trận thắng liên tiếp. Dường như cảm nhận được sự “xao xuyến” trong tâm lý cầu thủ, ảnh hưởng đến chuyên môn, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã có những phát biểu khá gay gắt.
Về chuyện tương lai của “tụi nhỏ”, những lời bầu Đức nói ra có thể khiến nhiều người cảm thấy sự độc đoán trong đó, khi gắn vào đó những cụm từ “tôi sẽ tính toán”, “sẽ cho ra đi nhưng đi trong trật tự”, “xem xét cho đi chứ không ào ào, thích đi đâu thì đi”. Người ta có thể nghĩ rằng, bầu Đức sẽ quyết định mọi thứ liên quan, chứ các cầu thủ không có quyền đòi hỏi, yêu sách. Đó là sự độc đoán!
Nhưng nhìn ở góc độ khác và hiểu sâu hơn những gì ông muốn nói, đó lại chính là sự bao bọc dành cho các cầu thủ mà ông đã làm ngay từ khi bắt đầu gây dựng Học viện. Bởi “tính toán” là chuyện làm sao cho đội hình của câu lạc bộ được duy trì ổn định. “Tính toán” là làm thế nào giúp các cầu thủ chia tay cũng có được những lợi ích nhất định, tìm được bến đỗ phù hợp, được chơi bóng để phát huy khả năng, đảm bảo điều kiện cuộc sống.
Nói cách khác, bầu Đức muốn các cầu thủ có được những điều kiện tốt nhất và đương nhiên, muốn “sản phẩm” mình đào tạo ra phải thể hiện được phẩm chất, chất lượng ở câu lạc bộ khác, giữ danh dự cho Hoàng Anh Gia Lai và cho chính ông. Ông có nói, “tụi nó vẫn là những con người tốt nên mình phải tạo điều kiện tốt cho tụi nó”.
Chuyện thị trường chuyển nhượng
Trong câu chuyện bầu Đức trao đổi với truyền thông, giới chuyên môn cũng có thể thấy một số vấn đề về thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở Việt Nam. Một là chuyện của truyền thông. Bầu Đức “nhắc nhở” chuyện hợp đồng của các cầu thủ “không như mọi người nghĩ” và vì thế, “đừng bàn tán giá cả, làm rối thị trường”. Ý ông hẳn là “người ngoài không hiểu nội dung hợp đồng là gì thì đừng nói chuyện”.
“Người ngoài” có thể hiểu là truyền thông và giới cò cầu thủ. Tuy nhiên, đó không bao giờ là chuyện ngăn cấm được. Truyền thông, giới cò cầu thủ có cách vận hành của mình và hoàn toàn theo cuộc chơi. Không chỉ riêng Hoàng Anh Gia Lai, các ngôi sao ở những câu lạc bộ khác cũng vậy, nước ngoài cũng thế, chuyện tương lai sẽ được nhắc đến khi giao kèo chuẩn bị kết thúc, thậm chí còn sớm hơn. Việc cầu thủ có bị tác động hay không phụ thuộc vào tâm lý, bản lĩnh của mỗi người.
Ở đây, khi bầu Đức đã có sự bao bọc với các cầu thủ đến thế, lẽ ra họ phải yên tâm và tập trung thi đấu chứ không để bị ảnh hưởng như thế.
Hai là, trong câu chuyện của mình, bầu Đức nhắc đến “giá chuyển nhượng”. Ông cho rằng, định giá 2 tỉ đồng với Văn Toàn là “quá rẻ”. Tất nhiên, đây chưa phải là con số chính thức, nhưng nó có thể mở ra cho vấn đề chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam tín hiệu lạc quan.
Theo đó, các câu lạc bộ sẽ mua qua, bán lại, với mức phí chuyển nhượng cụ thể thay vì chỉ là khoản tiền lót tay cho cầu thủ khi họ đã hết hợp đồng. Bầu Đức có thể không làm bóng đá vì tiền nhưng các câu lạc bộ khác không thể như vậy. Việc bán được cầu thủ sẽ là sự khích lệ lớn để câu lạc bộ phát huy công tác đào tạo trẻ, thay đổi tư duy từ việc đào tạo để giữ lại sử dụng chuyển sang “bán sản phẩm”, tạo ra nguồn thu.
Đó cũng là một nguồn bổ sung cho ngân sách để đội bóng hoạt động một cách chủ động thay vì phụ thuộc vào ngoại lực.
Theo Tam Nguyên (LĐO)