Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hoàng Văn Ngọc-Đổi đời nhờ dám nghĩ, dám làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vì điều kiện gia đình khó khăn nên Hoàng Văn Ngọc (SN 1988, ở tổ 1, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) chỉ học hết lớp 11 rồi ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ruộng. Tuy nhiên, với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, sau nhiều năm miệt mài lao động, tích góp, anh đã trở thành ông chủ của mô hình nuôi cá kết hợp với kinh doanh dịch vụ ăn uống, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Hành trình vượt khó

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, năm 1996, Ngọc theo bố mẹ vào Ayun Pa lập nghiệp. Lúc ấy, thấy điều kiện gia đình quá khó khăn, Ngọc đành nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng. Hàng ngày, nhìn bạn bè cắp sách đến trường còn mình thì vác cuốc ra đồng, Ngọc buồn lắm. Song với suy nghĩ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, thay vì ôm lấy nỗi buồn, Ngọc chú tâm suy nghĩ phải làm gì để gia đình thoát nghèo.

 

Nhờ dịch vụ câu cá và kinh doanh ăn uống, mỗi năm Hoàng Văn Ngọc thu về trên 500 triệu đồng. Ảnh: H.Đ.T
Nhờ dịch vụ câu cá và kinh doanh ăn uống, mỗi năm Hoàng Văn Ngọc thu về trên 500 triệu đồng. Ảnh: H.Đ.T

Sau một thời gian tính toán, anh quyết định bắt tay vào kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, khi Ngọc vừa rời xa gia đình một tháng để học chế biến thức ăn ở tỉnh Phú Yên thì bố anh đau bệnh rồi qua đời. Vậy là Ngọc lại một lần nữa bỏ dở việc học hành. Về nhà loanh quanh với mấy sào ruộng, Ngọc vẫn không thôi suy nghĩ để tìm hướng đi mới cho bản thân. Nhận thấy nghề nuôi cá có lợi hơn nhiều so với trồng lúa, anh quyết định tận dụng diện tích đất quanh nhà để đào ao nuôi cá. Lúc đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm trên diện tích nhỏ với các loại cá như: trắm, chép, rô phi, diêu hồng, cá chim... Sau 8 tháng, thấy vụ cá đầu tiên mang lại kết quả khả quan, Ngọc tiếp tục thuê người mở rộng diện tích ao nuôi cá. Từ chỗ chỉ vài trăm mét vuông nuôi, đến nay, tổng diện tích nuôi cá của Ngọc đã lên đến 8.000 m2. Ngọc cho biết, cá là loại dễ nuôi, đầu tư ít mà khả năng sinh lời cao. Hiện nay, mỗi năm anh thu khoảng 5 tấn cá, thu nhập khoảng 150-200 triệu đồng tùy theo giá thị trường.

Mở rộng mô hình kinh doanh

Nhận thấy quanh ao cá của mình có nhiều cây xanh bóng mát, Ngọc nảy ý định làm dịch vụ câu cá kết hợp kinh doanh ăn uống. Tin tưởng vào khả năng thành công của mô hình này, Ngọc bắt tay làm các chòi gỗ quanh ao để bạn bè đến câu cá thư giãn vào cuối tuần; đầu tư thêm dịch vụ chế biến thức ăn từ cá câu được, cá nuôi trong hồ. Ban đầu, chỉ lác đác vài người đến câu cá và ăn uống. Thấy đồ ăn do chính tay Ngọc nấu khá ngon, phục vụ lại tận tình, giá cả phải chăng nên dần dà lượng khách đến câu cá giải trí và ăn uống ngày càng đông.

Để duy trì và phát triển dịch vụ này, Ngọc rất chịu khó lắng nghe những góp ý của khách về cung cách phục vụ và chất lượng các món ăn. Từ đó, anh rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, anh còn tranh thủ thời gian lên mạng internet tìm hiểu cách chế biến các món ăn ngon và đi học hỏi các nhà hàng lớn trên địa bàn thị xã để nâng cao tay nghề. Ngọc tâm sự: “Nghề này giống như “làm dâu trăm họ” vậy. Nhiều khách đến quán rất khó tính, đòi hỏi, chê bai này nọ nhưng mình cố gắng làm cho họ vừa lòng. Đơn giản vì khách hàng là nguồn sống của bất cứ cửa hàng, doanh nghiệp nào. Chính vì thế, chăm sóc khách hàng trở thành một trong những yếu tố sống còn và đòi hỏi rất nhiều đầu tư để hướng tới sự hài lòng tuyệt đối của khách hàng đối với dịch vụ của mình. Điều này đóng vai trò rất lớn trong việc kéo khách hàng quay trở lại quán, đồng thời giới thiệu thêm những khách hàng mới cho quán”. Chính bởi suy nghĩ đúng đắn đó, dịch vụ câu cá và kinh doanh ăn uống của Ngọc ngày càng phát triển, doanh thu mỗi năm lên đến trên 500 triệu đồng.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệm của Hoàng Văn Ngọc:

- Kiên trì, chịu khó.
- Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
- Luôn lắng nghe khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Với quyết tâm thoát nghèo, Hoàng Văn Ngọc không chỉ đưa thành công trong việc phát triển kinh tế gia đình mà còn trở thành tấm gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi ở thị xã Ayun Pa. Thành công của anh hôm nay là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, cùng với ý chí không sợ khó, sợ khổ, dám đối mặt với thử thách. Đây là điều mà rất nhiều bạn trẻ cần học tập.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm