Bạn đọc

Hoạt động theo hướng đa chức năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Nông nghiệp và PTNT đang cùng với các cấp chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên đang triển khai thực hiện các giải pháp nhằm từng bước chuyển đổi hoạt động của các công ty lâm nghiệp nhà nước theo hướng đa chức năng, đảm bảo tính hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
 

 Bảo vệ rừng phòng hộ. Ảnh: Văn Thông
Bảo vệ rừng phòng hộ. Ảnh: Văn Thông

Có 3 chức năng chính đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác lập, đó là: Chức năng sản xuất kinh doanh bao gồm trồng rừng kinh doanh trên đất rừng sản xuất, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên, chế biến và thương mại lâm sản. Chức năng công ích xã hội bao gồm việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển rừng phòng hộ và đặc dụng trên đất lâm nghiệp được giao cùng với các dịch vụ công ích khác. Chức năng dịch vụ, tư vấn theo nhu cầu xã hội như xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cung ứng giống, kỹ thuật về trồng rừng, đào tạo, tập huấn, thị trường, giá cả, kênh tiêu thụ...

Một trong những giải pháp hàng đầu và có tính quyết định là, sớm tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình sử dụng đất hiện nay của các công ty lâm nghiệp; kiên quyết xử lý, thu hồi đối với những diện tích đất đang có vi phạm, hoàn thành dứt điểm việc quy hoạch sử dụng đất. Xác định lại trạng thái các loại rừng theo quy hoạch trên bản đồ, ngoài thực địa và cắm mốc; tổ chức lại việc giao đất, cho thuê đất và giao rừng cho các tổ chức, trong đó có công ty lâm nghiệp. Xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp và vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đối với từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức tốt quản lý rừng sản xuất và rừng phòng hộ, trên cơ sở xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; mọi tác động vào đối tượng loại rừng này phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng phương án đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên cần sớm thành lập các ban quản lý rừng sản xuất để tiếp nhận toàn bộ diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ từ các công ty lâm nghiệp với quy mô phù hợp. Tạo môi trường tín dụng thuận lợi như cho các công ty lâm nghiệp được vay vốn đầu tư ưu đãi để trồng rừng kinh doanh, tiền vay và lãi vay được trả vào kỳ thu hoạch sản phẩm theo chu kỳ cây trồng (tối đa 10 năm).

Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên có 56 công ty lâm nghiệp nhà nước với tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý khoảng 1 triệu ha, trong đó diện tích có rừng là 868.000 ha bao gồm rừng sản xuất hơn 770.000 ha, rừng trồng 45.000 ha và rừng phòng hộ hơn 90.000 ha. Bình quân mỗi công ty được giao quản lý 13.000 ha, đơn vị được giao quản lý rừng sản xuất tự nhiên nhiều nhất là Công ty Lâm nghiệp Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có đến hơn 46.000 ha. Trong khi đó diện tích đưa vào điều chế khai thác chưa đến 30.000 ha (chiếm 4,36% rừng sản xuất là rừng tự nhiên), với tổng khối lượng gỗ 117.000 m3 vào năm 2010, chiếm 58,5% so với tổng hạn mức của cả nước. Điều này thể hiện trạng thái rừng ở Tây Nguyên còn đang ở mức trung bình và nghèo.

Trước đây, hầu hết các công ty lâm nghiệp ở vùng Tây Nguyên hoạt động chủ yếu dựa vào chỉ tiêu khai thác gỗ, đến khi rừng cạn kiệt và cơ chế khai thác thắt chặt thì gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong hoạt động kinh doanh. Một số công ty lâm nghiệp còn giao chỉ tiêu khai thác gỗ hàng năm (trong năm 2012, toàn vùng chỉ còn 7/56 đơn vị được cấp phép khai thác gỗ) thì hầu như không có quyền lợi trực tiếp gắn với trách nhiệm được giao, bởi toàn bộ nguồn kinh phí thu được từ việc khai thác gỗ của các nhà thầu đều nộp vào ngân sách nhà nước. Những đơn vị không có chỉ tiêu khai thác gỗ thì chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, nhưng nguồn kinh phí cho công tác này cũng còn nhiều hạn chế. Các đơn vị muốn mở rộng loại hình sản xuất thì cũng rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại và đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến công tác quản lý bảo vệ rừng kém hiệu quả.

Văn Thông

Có thể bạn quan tâm