Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Học chủ quyền bên cột mốc biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng sớm, đỉnh Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) sương giăng kín. Những đứa trẻ người Thái, người Mường xúng xính váy hoa theo chân thầy cô lên thăm các chú bộ đội biên phòng biên giới Việt - Lào.

Thiếu tá Đặng Thành Long giảng giải cho học sinh về đường biên giới giữa Việt Nam và Lào trên đỉnh Mường Pồn
Thiếu tá Đặng Thành Long giảng giải cho học sinh về đường biên giới giữa Việt Nam và Lào trên đỉnh Mường Pồn


Đón các em đến thăm, các chú bộ đội xếp thành hai hàng trang nghiêm trước cổng đồn. Phòng sinh hoạt truyền thống phía trái sân đồn được chuẩn bị ngay ngắn đến từng chiếc ghế cho các em ngồi.

Hôm nay lên đồn biên phòng Mường Pồn, các thầy cô sẽ được nghe nói về hiệp định, hiệp ước biên giới quốc gia. Các em học sinh sẽ nghe giảng về biên cương, chủ quyền bên cột mốc biên giới.

Lần đầu tiên thầy cô cùng học sinh Trường tiểu học Mường Pồn được cán bộ, chiến sĩ biên phòng đồn Mường Pồn nói chuyện về biên cương ngay tại sân đồn.

Các em là tương lai
 của Tổ quốc

Thiếu tá Đặng Thành Long, phó đồn trưởng, thay mặt chỉ huy đồn làm người giảng bài cho các em học sinh và thầy cô.

Bài giảng được chia làm hai phần, phần dành cho các em nhỏ dễ hiểu hơn, chỉ cho các em biết công việc của các chú bộ đội, thế nào là cột mốc, biên giới, lãnh thổ nước Việt. Phần dành cho thầy cô là những hiệp định, hiệp ước giữa các quốc gia vùng biên giới.

Chăm chú nghe các sĩ quan đồn biên phòng Mường Pồn giảng giải về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, em Lò Thị Minh Nguyệt (học sinh lớp 3) bày tỏ buổi tham quan, học tập ở đồn biên phòng cùng với các chú bộ đội rất bổ ích, em đã thu thập được nhiều kiến thức hơn.

Nguyệt nói: “Em đã hiểu rõ hơn về đường biên giới với nước bạn Lào, về tình bạn giữa người dân hai bên, trách nhiệm của các chú bộ đội cũng như của mọi người dân trong thôn, bản để gìn giữ biên giới”.

Đại úy Trần Anh Tuấn, chính trị viên đồn biên phòng Mường Pồn, chia sẻ rằng biên phòng muốn làm cầu nối để các em học sinh biết hơn về biên giới quốc gia. Qua việc tham quan nơi ăn ở, cách sinh hoạt ngăn nắp của bộ đội, các em sẽ ý thức hơn trong cuộc sống của mình.

“Không ai khác, chính các em là chủ nhân tương lai của bản làng, quê hương, Tổ quốc này. Tinh thần toàn dân bảo vệ an ninh biên giới quốc gia cũng cần thiết đi sâu vào thế hệ trẻ” - đại úy Tuấn nói.

Thiếu tá Đặng Thành Long cho biết mô hình này không mới với các nước như Nhật Bản, Thái Lan... Việc giáo dục cộng đồng cho các em học sinh và thầy cô về kiến thức quốc phòng như vậy là rất hữu ích.

“Các em nhỏ sẽ yêu quý quê hương, xứ sở của mình hơn khi các em thật sự hiểu biết thế nào là cột mốc, là biên cương”-Thiếu tá Long bày tỏ.

Học tập các chú bộ đội

Sau phần giảng bài, các em học sinh và thầy cô được hướng dẫn đi tham quan vườn rau sạch tăng gia của các anh bộ đội tự trồng phía sau đồn. Những hàng bắp cải mơn mởn xanh um chờ tết. Những luống cải trổ hoa vàng rực.

Thiếu tá Long nói cho các em cách trồng rau, tưới nước, cách các chú bộ đội chia nhau từng đêm diệt sâu để rau, hoa được xanh tốt.

Sau khi tham quan vườn rau, các em học sinh được các chú bộ đội dẫn đi tham quan công sự, chiến hào, đài quan sát, nơi ăn chốn ở của bộ đội, cách giữ gìn vệ sinh, trật tự ngăn nắp trong kỷ luật quân đội của các chú bộ đội...

 

Mối giao tình quân - dân

Trường tiểu học Mường Pồn có gần 300 học sinh với 30 giáo viên đa số sống nội trú, vì vậy việc tham quan đồn để tổ chức một cuộc sống tốt hơn là rất cần thiết.

Đại úy Tuấn cho biết tới đây, các chiến sĩ của đồn sẽ giúp nhà trường, các thầy cô cải thiện bằng cách hướng dẫn cách trồng rau, xây dựng nội trú ngăn nắp, cách tổ chức bếp ăn tập thể...

Các em được những chú bộ đội chỉ dẫn vùng đất nào là vùng đất của nước Việt Nam và vùng đất nào là của nước bạn Lào.

Em Quàng Văn Vương (dân tộc Thái, học sinh lớp 4) tíu tít thích thú theo chân các chú bộ đội ra vườn rau, lên chòi canh gác, xuống đường hầm, vào nơi nghỉ ngơi... Vương nói hồi nhỏ giờ em không biết các chú bộ đội sinh sống ra sao, bên cây súng như thế nào, có đáng sợ không.

“Giờ thì em biết rồi”-Vương nói. “Sau buổi lên đồn thăm các chú bộ đội, em học tập được tinh thần tự giác của các chú, từ việc mỗi sáng sớm sau lúc ngủ dậy tự dọn chỗ ngủ, xếp chăn màn, tự giặt đồ, trồng rau, nuôi lợn, nấu ăn...”-Vương hồn nhiên.

Thầy Bùi Tiến Dũng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Pồn, cho biết sắp tới, trong các ngày lễ lớn nhà trường cũng sẽ tổ chức cho các em học sinh, thầy cô đến thăm đồn.

“Mong muốn các em hiểu được truyền thống của quân đội để từ đó soi xét và học tập tốt hơn. Nhìn cách ăn ở, sinh hoạt của chú bộ đội, các em học sinh-đặc biệt là học sinh nội trú, sẽ ý thức tốt hơn trong cuộc sống của mình.

Không những học sinh mà các thầy cô cũng vậy, vì không phải thầy cô nào cũng có điều kiện đến thăm những nơi xa xôi, biên giới cách trở như thế này”-thầy Dũng cho biết.

 

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm