Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Học nghề sau tốt nghiệp THPT: Nhiều cơ hội việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi nhiều thí sinh đang nghiên cứu điều chỉnh xét tuyển nguyện vọng đại học, cao đẳng thì có không ít học sinh quyết định rẽ hướng sang các trường đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Với các em, học nghề chính là con đường ngắn nhất để có một công việc ổn định trong tương lai.
Yêu thích nghề cơ khí, em Hồ Ngọc Thành (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã quyết định đăng ký vào ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai ngay sau khi có chứng nhận tốt nghiệp THPT vào ngày 21-7 vừa qua. Thành cho biết: “Tổ hợp 3 môn khối A của em đạt 17 điểm nhưng em vẫn đăng ký vào trường nghề chứ không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Em nghĩ học nghề là lối rẽ phù hợp với bản thân em và hoàn cảnh gia đình. Sau này, khi công việc ổn định, em sẽ học liên thông lên đại học để nâng cao tay nghề, còn hiện tại em hài lòng với lựa chọn của mình. Bên cạnh đó, em cũng được tiếp thêm động lực khi được bố mẹ ủng hộ quyết định của mình”.
 Học nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng nghề Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến
Học nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng nghề Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến
Xác định học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THPT cũng đang là xu hướng của nhiều học sinh dân tộc thiểu số, qua đó cho thấy hiệu quả tích cực của công tác hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông. Em Đinh Lết (xã Kông Htok, huyện Chư Sê) quyết định chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vì em đã có dự định học nghề từ lâu. Đinh Lết nói: “Em đăng ký học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Học ở đó không quá xa nhà, bố mẹ em cũng đồng ý. Sau khi học xong em sẽ xin làm việc tại các garage sửa chữa ô tô”.
Trao đổi với P.V, Th.S Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai-cho biết: “Theo báo cáo hàng ngày của bộ phận tuyển sinh, có nhiều lượt thí sinh đã tốt nghiệp THPT quan tâm đến các ngành nghề đào tạo của nhà trường, có cả thí sinh ở TP. Pleiku. Tôi cho rằng đây là tín hiệu lạc quan giúp hạn chế thực trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay”. Cũng theo ông Điều, nhiều năm qua, nhà trường đã tích cực đẩy mạnh công tác liên kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập nâng cao tay nghề, làm cầu nối giúp sinh viên, học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên trong khu vực, năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai có 600 chỉ tiêu tuyển sinh với nhiều ngành nghề phù hợp lứa tuổi, giới tính như: Điện công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, Công nghệ ô tô, Công nghệ hàn, Kỹ thuật lắp ráp sửa chữa máy tính, Kỹ thuật xây dựng, Cắt gọt kim loại, Công tác xã hội, May thời trang... với các hệ đào tạo: Cao đẳng (2-2,5 năm), trung cấp (1,5 năm), sơ cấp (3-6-9 tháng). Nhà trường cũng đã liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các đơn vị như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (tỉnh Nghệ An), Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)...
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm