(GLO)- Vậy là, con tôi sắp hoàn thành học kỳ I của năm đầu tiên cấp tiểu học. Vượt qua không ít trở ngại, dù muốn hay không, cuối cùng cả phụ huynh, giáo viên và học sinh đều dần quen với việc học trực tuyến.
4 tháng là hành trình không ngắn, nhất là đối với học sinh lớp 1 để làm quen với các bạn, cô giáo và tập nếp quen ngồi học đúng giờ trước màn hình máy tính, điện thoại. Ở lớp con tôi, mỗi ngày, cô giáo giao bài tập trên hệ thống olm.vn. Các con đăng nhập theo tài khoản được cung cấp để vào hoàn thành bài học. Thay vì trực tiếp nghe cô giáo giảng bài, các con xem 1 clip đã được tích hợp xen kẽ các câu hỏi liên quan đến bài học trong thời gian 7-10 phút. Điểm được đánh giá trên thang điểm 100 ở 2 mục: thời gian xem và số câu trả lời đúng. Vì thế, để bài đạt số điểm tối đa, con phải xem đầy đủ, không được tua nhanh đến câu hỏi để trả lời và phải trả lời đúng 100% và không được để sai lần nào.
Hầu như ngày nào, tôi hoặc chồng đều phải thay nhau túc trực bật máy, vào hệ thống và giám sát việc học của con. Ngồi cạnh bên, mặc dù tâm niệm để con tự học song mỗi lần con chọn sai đáp án và nghe tiếng báo hiệu từ hệ thống, chúng tôi liền ngay lập tức “hỗ trợ” bằng cách nói con thoát và làm lại bài cho đạt 100 điểm. Lướt nhìn bảng điểm bài tập đều tăm tắp những điểm số 100, đôi lúc tôi tự ngẫm, nếu con học trực tiếp với cô giáo, có lẽ điểm số sẽ không “ảo” như vậy. Và tôi cũng tự biết, thực lực của con mình không ngang bằng với mức 100 điểm ấy.
Dịch Covid-19 kéo dài đã biến câu hát “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo” đúng hoàn toàn theo nghĩa đen. Thế nhưng, trong lúc làm “cô giáo”, tôi vẫn là một người mẹ, vẫn muốn con mình phải luôn học tốt và có điểm cao. Vì thế, không thể không thú thực, việc học online đã tạo điều kiện “thuận lợi” cho không ít phụ huynh, trong đó có tôi “chạy” thành tích cho con!
Sắp tới, các con sẽ chuẩn bị kiểm tra đánh giá học kỳ I bằng hình thức trực tuyến. Một mặt, tôi tích cực cho con ôn bài, mặt khác, tôi vẫn chưa tin tưởng vào mức độ tập trung của con trong lúc làm bài. Và chắc sẽ không chỉ tôi, mà nhiều phụ huynh khác cũng thấp thỏm phía sau bài thi của con để kịp thời nhắc nhở nhằm bảo toàn bảng điểm đẹp.
Khoảng thời gian này, tôi chợt nhận ra, “bệnh” chạy theo thành tích phải chăng xuất phát từ chính phụ huynh rồi mới đến nhà trường và trở thành căn bệnh “thâm niên” của ngành Giáo dục. Nếu mỗi phụ huynh đều dễ dàng chấp nhận để những điểm số thể hiện thực chất khả năng học tập của con em mình, từ đó kịp thời có giải pháp khắc phục, bồi dưỡng thì có lẽ, bệnh thành tích sẽ sớm được chữa khỏi.
PHƯƠNG VI