Bạn đọc

Học sinh bất chấp quy định sử dụng xe gắn máy phân khối lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất chấp các biện pháp, học sinh chưa đủ tuổi tham gia giao thông vẫn sử dụng xe gắn máy đến trường, đi lại, nhất là ở khu vực đô thị.

Hoàng-một học sinh lớp 11 được biết đến với vẻ ngoài khá sành điệu, để là một trong những “tay chơi” có tiếng tại một trường THPT trong TP. Pleiku. Trước đây, Hoàng vốn học giỏi và ngoan hiền, nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi tuy nhiên, sau khi bố đột ngột qua đời, Hoàng bỗng trở nên khó bảo. Không còn là con “mọt sách” với cặp kiến cận dày cộm, Hoàng trở nên bảnh bao từ quần áo đến tóc tai, trang sức. Toàn bộ đều thuộc “hàng độc”. Đương nhiên, Hoàng cũng không quên “vòi” mẹ thêm một xe gắn máy đắt tiền với mục đích... phục vụ học tập. Sau đó, sau vài lần tỉ tê với mẹ, Hoàng được mua cho một chiếc mô tô 150cc để tha hồ vi vu lướt cùng bạn bè, thể hiện bản lĩnh dân chơi tốc độ.

 

Hoàng khoe: “Trong nhóm thì mình em đi dòng xe này. Có mấy đứa bạn cũng đang muốn theo. Ít hôm nữa chúng nó đi đầy đường cho mà xem. Dễ gì chúng nó chịu thua...”.

Khi hỏi bằng lái xe, Hoàng cười phá lên: “Lâu lâu xui lắm mới bị Công an hỏi thôi. Nếu bị bắt thì khai tên người khác, chỉ cần người này đủ tuổi và có bằng lái xe thì có bị giam xe cũng không lo, thế nào “bà già” chả cho tiền đi lấy về, dại gì khai mình là học sinh!”...

Một trường hợp khác, không khá giả như Hoàng nhưng Cường-học sinh lớp 12 một trường khác tại TP. Pleiku. Cường được gia đình “cấp” chiếc xe 125cc để đi học cho “tiện”. Một thời gian sau, bà mẹ tá hỏa khi thấy Cường trở về nhà trong tình trạng tay chân trầy trụa, hậu quả của màn biểu diễn “lấy chân chống xe vẹt xuống đường tóe lửa” và bị tai nạn.

Từ hôm ấy, Cường chính thức bị “tịch thu phương tiện”, mẹ Cường “cắt cử” bố đưa đón cậu đi học, cả học thêm lẫn học chính. Tuy nhiên, gia đình Cường vẫn không thể duy trì việc đưa đón cậu vì công việc bận rộn.

Bãi giữ xe gần trường THPT Pleiku. Ảnh: Anh Tú

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Chương- Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku cho biết: “Từ nhiều năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường rất bức xúc trước tình trạng học sinh điều khiển xe gắn máy phân khối lớn đến trường và đề ra hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này như: Học sinh và phụ huynh cùng ký cam kết an toàn giao thông, phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý vi phạm... Tuy nhiên, tất cả không đem lại hiệu quả vì nhiều phụ huynh vẫn cố tình “làm ngơ” cho con em mình vi phạm, các hộ kinh doanh dịch vụ giữ xe vẫn tỏ ra bất hợp tác”.

Theo quan sát của chúng tôi, ngay cổng Trường THPT Pleiku có đến 5, 6 điểm giữ xe cho học sinh, với đầy đủ dịch vụ bơm vá, rửa xe, cà phê, giải khát...

Tại các trường Chuyên Hùng Vương, Phan Bội Châu, Lê Lợi... tình trạng cũng tương tự. Thực trạng học sinh điều khiển xe gắn máy phân khối lớn tồn tại rất lâu nhưng vẫn không được giải quyết triệt để xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do sự đua đòi của học trò, sự dung túng, chiều chuộng của nhiều bậc phụ huynh, thêm vào đó là sự “tiếp tay” của các điểm dịch vụ giữ xe học sinh góp phần làm gia tăng số lượng học sinh vi phạm, trong khi việc kiểm tra, xử lý thì qua loa.

Theo thầy Chương, để hạn chế tình trạng học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe gắn máy, nên chăng mỗi biên bản xử lý vi phạm học sinh cần bổ sung thêm họ tên, cơ quan, phụ huynh. Bên cạnh đó, ngoài thông báo về nhà trường, cơ quan xử lý cần có thêm thông báo gửi đến cơ quan của phụ huynh học sinh hay chính quyền địa phương. Có thể xem đây như một tiêu chí đánh giá cán bộ hay gia đình để tăng thêm hiệu lực xử lý.

Trần Anh Tú
 

Có thể bạn quan tâm