Chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán, thầy giáo Đặng Phước Thanh- Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku, Gia Lai) cho biết:
Ảnh minh họa |
Cấu trúc của đề thi gồm 2 phần: Phần chung (7 điểm) bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và phần riêng (3 điểm) theo chương trình chuẩn hoặc nâng cao; vì vậy khi nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh có nhiều khả năng làm được bài thi.
Bên cạnh đó, khi ôn tập học sinh cần rèn luyện các kỹ năng giải toán, làm bài tập để lấy kinh nghiệm đồng thời cần phải xác định được những dạng toán chính và phương pháp giải những dạng toán đó. Các dạng bài toán tổng hợp như có tham số, dùng đồ thị, dùng ẩn phụ, vẽ thêm hình, sử dụng kiến thức lượng giác, hình học, tọa độ... để giải các bài toán đại số, giải tích hay ngược lại, học sinh phải chú ý đến việc đổi vai trò của ẩn số và tham số; của đối số (biến số) và hàm số, các bài toán bất đẳng thức, bài toán cực trị…
Mặt khác, trong các bước làm lý luận phải chính xác, lời giải gọn, đúng trình tự, rõ ràng (có giải trình); nên có kết luận về đáp số; giải xong phải kiểm tra lại, nhận định kết quả có hợp lý với đề bài không (tránh vội vã, sai những câu này thật đáng tiếc). Những bài toán có điều kiện khi giải xong các thao tác nhớ kết hợp điều kiện. Khi làm bài nhầm không nên sửa mà nên gạch bỏ để làm lại. Khi vẽ đồ thị học sinh nên nhận dạng đồ thị trước khi vẽ, bắt buộc dùng bút mực để vẽ, nếu dùng bút chì sẽ phạm quy (bút chì chỉ dùng để vẽ đường tròn)…
Báo Gia Lai mong nhận được những ý kiến của các giáo viên, học sinh, sinh viên về cách ôn và thi đạt kết quả tốt để mở rộng và rút kinh nghiệm cho đợt ôn thi đại học, cao đẳng năm 2011. Mọi đóng góp xin gửi về chuyên mục Đồng hành cùng mùa thi, Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, Gia Lai; E-mail: baogialai@dng.vnn.vn, chebanbgl@yahoo.com.vn hoặc gldt_bgl@yahoo.com.vn. |
Thu Huế (thực hiện)