Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 48 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (6-18 tuổi), làm chết 41 người, bị thương 30 người. Trong đó, nhiều vụ liên quan đến việc học sinh sử dụng xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Nhiều tai nạn liên quan đến xe máy điện

Tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2023, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Trưởng ban ATGT huyện-cho biết: Số vụ TNGT liên quan đến học sinh chiếm tỷ lệ cao. Riêng năm 2023 xảy ra 10 vụ (chiếm 41,67% tổng số vụ TNGT), làm 6 người chết, 11 người bị thương.

Qua theo dõi, địa phương đang nổi lên tình trạng học sinh THCS và các cháu nhỏ sử dụng xe máy điện nhưng không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông.

Tình trạng học sinh các trường THCS, THPT điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn phổ biến. Ảnh: Đ.T

Tình trạng học sinh các trường THCS, THPT điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn phổ biến. Ảnh: Đ.T

Theo ông Trọng, để khắc phục tình trạng này cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định cơ bản về pháp luật cho các em khi tham gia giao thông, chú ý trang bị kiến thức, kỹ năng cho số học sinh trực tiếp điều khiển xe máy điện, xe đạp điện. Ngoài ra, cần tổ chức các buổi ngoại khóa chuyên về trật tự ATGT cho nhóm đối tượng này.

Tại TP. Pleiku, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện đến trường để xảy ra TNGT cũng không phải là chuyện hiếm. Đơn cử, vào ngày 4-1-2024, em N.T.P. (SN 2009, trú tại tổ 12, phường Yên Đỗ) điều khiển xe máy điện BKS 81MĐ1-001.05 chở bạn phía sau lưu thông trên đường Tôn Đức Thắng theo hướng ngã tư Yên Thế đi xã Tân Sơn. Do P. không chú ý quan sát đã xảy ra va chạm với xe ô tô tải đang đỗ phía trước cùng chiều. Hậu quả, P. bị chấn thương vùng mặt.

Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATGT, ngăn ngừa TNGT, Công an TP. Pleiku có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố và các trường THPT trên địa bàn tuyên truyền về độ tuổi và loại xe được điều khiển của học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng học sinh các trường THCS, THPT (chủ yếu từ lớp 9 trở lên) điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe. Nhiều phụ huynh do không hiểu biết pháp luật hoặc không có điều kiện đưa đón đã giao xe cho con em mình điều khiển không đúng quy định.

Cần “để mắt” đến xe đạp điện

Không riêng gì xe máy điện được đề nghị bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe, nhiều phụ huynh cho rằng xe đạp điện cũng cần có những quy định riêng về độ tuổi sử dụng phương tiện, tuyến đường tham gia giao thông. Nhiều em nhỏ điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người đi đường.

Thực tế đã có nhiều vụ TNGT liên quan tới xe đạp điện. Trong khi đó, xe đạp điện có đặc điểm nhẹ, tốc độ có thể đạt tới 40-50 km/giờ nên khi xảy ra va chạm cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người sử dụng.

Học sinh sử dụng xe máy điện đến trường. Ảnh: Minh Nguyễn

Học sinh sử dụng xe máy điện đến trường. Ảnh: Minh Nguyễn

Góp ý dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-3, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện và xe dưới 50 cm3.

Ông Hùng cho rằng, việc cấp giấy phép lái xe máy điện và xe dưới 50 cm3 cần áp dụng cho cả trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi để đảm bảo ATGT và phải sát hạch như giấy phép lái xe hạng A1 tại trung tâm sát hạch chính quy.

Có thể thấy học sinh sử dụng xe đạp điện đến trường rất phổ biến. Đơn cử, Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP. Pleiku) có hơn 750 học sinh nhưng hơn một nửa học sinh sử dụng xe đạp điện đến trường.

Trong khi đó, trường học nằm sát tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) có mật độ xe đông, nhiều phương tiện lại phóng nhanh vượt ẩu nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đối với học sinh.

Cô Trần Thị Hạnh-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Đầu năm học 2023-2024, nhà trường đã triển khai cho phụ huynh ký cam kết về nghiêm chỉnh chấp hành việc đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; không giao xe cho con em điều khiển trái quy định.

Nhà trường cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền ATGT trong buổi sinh hoạt đầu tuần, các hoạt động ngoại khóa; nhắc nhở phụ huynh quản lý, giáo dục con em mình.

Có thể bạn quan tâm