Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Học sinh Pleiku sáng chế thiết bị giám sát chỉ số sức khỏe

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với việc tích hợp đo các thông số điện cơ, điện tim, nhiệt độ trong cùng một thiết bị và truyền dữ liệu từ xa mọi lúc mọi nơi, dự án của 2 nam sinh Trường THPT Pleiku đã đạt giải nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023.

Gần 1 tháng trôi qua nhưng niềm vui vẫn còn vẹn nguyên đối với 2 em Lê Trần Tuấn Anh (lớp 12A3) và Nguyễn Cường (lớp 11A1) khi ý tưởng nhân văn của mình được hiện thực hóa. Chia sẻ về dự án, Tuấn Anh cho hay: Hiện nay, việc đến bệnh viện chờ đợi, xếp hàng để kiểm tra sức khỏe định kỳ của các bệnh nhân, nhất là người cao tuổi rất vất vả. Với bác sĩ, việc tổng hợp và lưu trữ bộ dữ liệu về tình trạng sức khỏe cho từng bệnh nhân cũng còn hạn chế. Trong khi đó, nếu theo dõi và giám sát được sự thay đổi thể trạng hàng ngày của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh và cảnh báo sức khỏe cho họ chính xác, kịp thời hơn từ xa.

PGS-TS. Nguyễn Gia Như-Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính trao giải đặc biệt của Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho 5 dự án đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Ảnh: Mộc Trà

PGS-TS. Nguyễn Gia Như-Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính trao giải đặc biệt của Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho 5 dự án đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Ảnh: Mộc Trà

“Xuất phát từ thực tiễn đó, chúng em đã quyết định thiết kế thiết bị có thể giám sát sức khỏe với các thông số: điện cơ, điện tim và nhiệt độ cơ thể mọi lúc mọi nơi; từ đây, hình thành nên cơ sở dữ liệu và các biểu đồ dự báo về tình trạng sức khỏe, gửi đến bác sĩ để kiểm tra. Ngoài ra, chúng em còn xây dựng thêm giao diện giám sát trên điện thoại thông minh, đồng bộ hóa dữ liệu giữa bệnh nhân và bác sĩ nhằm kết nối dễ dàng. Đây cũng là điểm mới và sáng tạo mà các thiết bị trên thị trường hiện chưa có”-Cường thông tin thêm.

Do kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, Tuấn Anh và Cường đã tìm đến thầy Nguyễn Văn Thuận-giáo viên Công nghệ của Trường THPT Pleiku để nhờ hỗ trợ, hướng dẫn. Sau khi tìm hiểu các tư liệu liên quan, thầy và trò bắt tay triển khai dự án. Đầu tiên là nghiên cứu cách thức giao tiếp với các loại cảm biến về điện tim, điện cơ, nhiệt độ dẫn với vi mạch điều khiển; vẽ sơ đồ khối hệ thống, sơ đồ nguyên lý và thiết kế bảng mạch đo các thông số; sau đó, lập trình ứng dụng hiển thị thông số và quản lý trên điện thoại thông minh dựa vào nền tảng Blynk App. “Khó khăn mà chúng tôi gặp phải là tất cả linh kiện đều phải đặt mua ở nơi khác vì Gia Lai không có bán. Trong quá trình thực hiện, mỗi lần thất bại đều phải đợi khá lâu mới có linh kiện khắc phục nên mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, 2 em đều rất chịu khó, nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm”-thầy Thuận cho biết.

Sau gần 5 tháng triển khai, Tuấn Anh và Cường đã sáng chế thành công thiết bị. Việc thực nghiệm được 2 em tiến hành trên vận động viên chơi thể thao là học sinh của trường rồi mở rộng ra với người già và trẻ em trong gia đình mình. “Sở dĩ chúng em chọn vận động viên vì khi chơi thể thao, nhịp tim, sức mạnh cơ bắp và nhiệt độ cơ thể của họ dễ thay đổi; còn người già và trẻ em là đối tượng đặc thù mà dự án hướng đến. Sau khi đo, các thông số cảm biến đưa ra tương đối chính xác; Blynk App hoạt động ổn định, trao đổi dữ liệu hiệu quả thông qua kết nối wifi”-Cường chia sẻ.

Từ phải sang: Em Nguyễn Cường và Lê Trần Tuấn Anh theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn Bùi Việt Hưng (lớp 12D2, Trường THPT Pleiku) bằng thiết bị giám sát sức khỏe. Ảnh: Mộc Trà

Từ phải sang: Em Nguyễn Cường và Lê Trần Tuấn Anh theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn Bùi Việt Hưng (lớp 12D2, Trường THPT Pleiku) bằng thiết bị giám sát sức khỏe. Ảnh: Mộc Trà

Là một trong số học sinh của Trường THPT Pleiku tham gia trải nghiệm thiết bị, em Bùi Việt Hưng (lớp 12D2) bày tỏ: “Môn thể thao mà em yêu thích là bóng chuyền. Em đã gắn bó với nó được 5 năm. Khi chơi thể thao với cường độ cao, thỉnh thoảng em thường bị mệt mỏi, tim đập nhanh. Vì vậy, em cảm thấy thiết bị mà bạn Tuấn Anh và Cường thiết kế khá hữu ích; giúp em nắm bắt, theo dõi được tình trạng sức khỏe của bản thân để điều tiết chế độ tập luyện thích hợp”.

Cũng theo các tác giả dự án, điểm hạn chế của thiết bị là khá to và cồng kềnh dẫn đến bất tiện khi mang theo bên người. Bộ nguồn của hệ thống còn hạn chế khiến thời lượng sử dụng thiết bị chỉ đạt 2 giờ đồng hồ. “Chúng em sẽ tiếp tục cải tiến bộ nguồn để tăng hiệu suất làm việc của thiết bị; tinh gọn và nâng cao chất lượng cảm biến cũng như mạch điều khiển để đo được thông số chính xác nhất; đồng thời, bổ sung thêm các tính năng để thiết bị ưu việt hơn. Chúng em cũng sẽ kêu gọi thương mại hóa sản phẩm nếu có điều kiện”-Tuấn Anh khẳng định.

Đánh giá về dự án, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Gia Như-Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính (Đại học Duy Tân) cho hay: Đây là sản phẩm có tính sáng tạo, hữu ích, mang ý nghĩa xã hội và cộng đồng cao. Tính mới của dự án là áp dụng phương pháp cảm biến thu thập và phân tích dữ liệu điện cơ, điện tim, thân nhiệt trên cùng một thiết bị; giám sát được tình trạng sức khỏe của con người từ xa thông qua phần mềm tích hợp và phần mềm giám sát trên các server online.

Có thể bạn quan tâm