Văn hóa

Học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị K73.B16 nghiên cứu thực tế tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 14-9, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai có buổi làm việc với đoàn học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị K73.B16 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đi nghiên cứu thực tế tại Gia Lai.

Dự buổi làm việc có ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có Tiến sĩ Lương Huyền Thanh-Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, trưởng đoàn và 56 học viên.

Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thông tin công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thông tin công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tại buổi làm việc, giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thông tin về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững của địa phương. Người Bahnar, Jrai là 2 dân tộc bản địa lớn nhất Gia Lai, có di sản văn hóa vô cùng kỳ vĩ. Trong đó, Không gian văn hoá cồng chiêng được UNESSCO ghi danh năm 2005 là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh Gia Lai còn có hệ thống di tích lịch sử-văn hoá lâu đời, được xếp hạng ở nhiều cấp độ. Toàn tỉnh hiện có 38 di tích/cụm di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di tích khảo cổ và 1 quần thể với 9 cụm di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng quốc gia và 21 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số đó có 35 di tích/cụm di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, gắn với phát triển du lịch bền vững; tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của dân tộc Jrai, Bahnar như lễ bỏ mả, mừng lúa mới… tổ chức ngày hội văn hóa, ngày hội thể thao các dân tộc thiểu số của tỉnh hàng năm để khuyến khích cộng đồng gìn giữ các giá trị di sản. Sự kiện “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần trong gần 2 năm qua, hay “Sắc màu văn hóa tỉnh Gia Lai” sẽ tổ chức vào ngày chủ nhật hàng tuần tại Bảo tàng tỉnh, bắt đầu từ cuối tháng 9 tới là hoạt động bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch bền vững.

Tỉnh cũng có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của các dân tộc. Từ đầu năm đến nay, Gia Lai đã có 2 đoàn nghệ nhân Jrai được mời đi biểu diễn nghệ thuật dân gian tại nước ngoài, đây là cầu nối giới thiệu văn hóa các dân tộc Gia Lai đến với bạn bè quốc tế. Tỉnh Gia Lai có nhiều chính sách, chiến lược đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hoá đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026; Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025…

Đoàn học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị K73.B16, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đoàn học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị K73.B16, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tại buổi làm việc, các học viên đã đặt một số câu hỏi để cùng nhau trao đổi về chính sách cho các nghệ nhân; công tác xã hội hóa trong công tác bảo tồn; quảng bá văn hóa và thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực văn hóa để phát triển du lịch; chính sách marketing văn hóa, truyền thông văn hóa, giáo dục văn hóa trong giai đoạn hiện nay…

Có thể bạn quan tâm