Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản trả lời công văn của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt.
Trong Văn bản số 173/CV-HKTSVN, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam trả lời việc góp ý trực tiếp cho 3 phương án kiến trúc tại đồi Dinh tỉnh trưởng, hội đã có Văn bản số 86/KT ngày 15.9.2020 gửi Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh (đề nghị không nên xây khách sạn ở đồi Dinh tỉnh trưởng - PV). Đến nay, hồ sơ gửi kèm, các phương án vẫn như hội đã có văn bản, vì vậy hội chưa đủ cơ sở nghiên cứu để tham gia ý kiến mới. Đồng thời, hội đề nghị lãnh đạo tỉnh có sự nghiên cứu, rà soát lại thật thận trọng, thực hiện chặt chẽ quy trình pháp lý để quyết định giải pháp hợp lý nhất.
Hội KTS Việt Nam đề nghị tỉnh Lâm Đồng rà soát để lý giải đầy đủ nội dung thể hiện theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung số 704/QĐ-TTg ngày 12.5.2014. Ngoài ra, Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt chi tiết quy hoạch và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình có nội dung tại mục 3; 3.1, phân khu III là chưa chặt chẽ. Việc lập và phê duyệt quy hoạch yêu cầu phải đồng thời thực hiện trên cơ sở tuân thủ luật Di sản văn hóa hiện hành (Dinh tỉnh trưởng thời điểm quy hoạch vẫn thuộc danh mục công trình văn hóa bảo tồn theo Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND).
Mô hình phương án 1: Dinh tỉnh trưởng sẽ được nâng lên 28 m, phía dưới là tổ hợp khách sạn. Ảnh: Gia Bình |
“Với công trình khách sạn đồi Dinh, cần một quy trình chuẩn các bước theo luật Xây dựng và luật Kiến trúc hiện hành, dù thực hiện theo phương thức tuyển chọn hay thi tuyển. Với quy mô, tính chất và đặc biệt là tầm quan trọng về đóng góp cho không gian đặc biệt của đô thị Đà Lạt, hình thức thi tuyển bài bản là một hướng đi phù hợp để tuân thủ đúng pháp lý và chuyên môn. Cuộc thi nên gắn kết cùng quy hoạch kiến trúc chung khu vực Hòa Bình thành một hệ thống nghiên cứu”, văn bản của Hội KTS Việt Nam góp ý.
Cũng theo văn bản này, Hội KTS Việt Nam nhìn nhận Dinh tỉnh trưởng tuy là một công trình về mặt kiến trúc chưa quá tiêu biểu cho kiến trúc xưa Đà Lạt, nhưng về mặt giá trị lịch sử tồn tại, tinh thần nơi chốn thì đã mang một ý nghĩa hiện hữu không thể phủ nhận. Khu vực đồi Dinh cũng có vị trí khá đặc biệt, đây là đỉnh đồi cao nhất ở trung tâm thành phố, cũng là nơi hội tụ nhiều yếu tố đặc địa. Màu xanh và hình dáng đồi Dinh đóng vai trò là một viên ngọc quý giá, kiến tạo không gian đặc sắc của khu vực trung tâm thành phố. Đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt, vì Đà Lạt là nơi hệ thống di sản đã trở thành linh hồn nơi chốn.
“Với phương án kỳ vọng của tỉnh (tỉnh chọn phương án 1 - Hotel du Printemps của KTS Thierry Van de Winagaert, nâng cao Dinh tỉnh trưởng lên 28 m, phía dưới là tổ hợp khách sạn - PV), khía cạnh chuyên môn cần cân nhắc xem xét: việc định đưa một công trình xưa không hội tụ tiêu biểu về lịch sử phát triển kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa lên cao như “một đền thờ tôn vinh” tại ngay trung tâm đô thị là khó thỏa đáng. Chưa nói, việc đó không đúng pháp lý về cách ứng xử công trình định bảo tồn, lại tốn kém, lãng phí đầu tư nếu muốn giữ nguyên bản. Ngọn đồi nhân tạo mới, dạng ruộng bậc thang, cũng là một hình ảnh chưa mang tính bản địa sâu xa ở vùng đất. Không dễ giữ cho hồn cốt đô thị khu vực được nguyên lãng, an nhiên”, văn bản Hội KTS Việt Nam nêu.
Theo Gia Bình (TNO)