Xã hội

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai sơ kế 3 năm triển khai Dự án 8

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 28-12, tại TP. Pleiku, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, định hướng triển khai hoạt động năm 2024.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; thành viên Ban điều hành Dự án cấp tỉnh; lãnh đạo Hội LHPN 15 huyện, thị xã triển khai Dự án 8.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Châu

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Châu

Dự án 8 được triển khai thực hiện gồm 4 nội dung (với 16 nhóm hoạt động): tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Qua 3 năm triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt những kết quả tích cực trong việc xóa bỏ những rào cản, định kiến giới, thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 12-2023, toàn tỉnh đã củng cố và thành lập mới 38 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, thành lập 39 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi, 229 “Tổ truyền thông cộng đồng”. Có 361 hội viên phụ nữ được chi trả 4 gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em với tổng số tiền gần 365 triệu đồng…

Nhiều trẻ em gái đã mạnh dạn hơn, có kỹ năng bảo vệ bản thân sau khi tham gia câu lạc "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Ảnh: Minh Châu
Nhiều trẻ em gái đã mạnh dạn hơn, có kỹ năng bảo vệ bản thân sau khi tham gia câu lạc "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Ảnh: Minh Châu

Dự án 8 được thông tin, truyền thông rộng rãi qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh; 23.500 tờ rơi, 40 sách lật song ngữ, 102 tranh lật truyền thông, gần 100 tin, bài trên báo địa phương và phóng sự truyền hình; tổ chức sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng DTTS và miền núi…

Những khó khăn, hạn chế trong triển khai Dự án 8 cũng được chỉ ra tại hội nghị như: các nội dung của Dự án còn mới, nguồn vốn phân bổ lớn, trong khi đội ngũ cán bộ hội mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm nên khó khăn trong triển khai thực hiện. Một số định mức chi tiêu còn thấp so với yêu cầu triển khai và duy trì các mô hình của Dự án ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Các văn bản hướng dẫn có một số nội dung chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Dự án tại cơ sở. Công tác phối hợp giữa Hội LHPN huyện với các ngành liên quan tại địa phương chưa chặt chẽ, còn lúng túng, vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ những cách làm hiệu quả, sáng tạo trong triển khai thực hiện Dự án 8; đánh giá tồn tại, hạn chế sau 3 năm triển khai; đồng thời thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 năm trong 2024.

Theo đó, 5 nội dung trọng tâm được tập trung triển khai trong năm 2024 như: hoàn thành chỉ tiêu thành lập các mô hình, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động những mô hình đã thành lập; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS các cấp, cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đảm bảo đạt chỉ tiêu giai đoạn đã đặt ra; tăng cường phối hợp và phát huy thế mạnh của các sở, ngành liên quan tham gia thực hiện các hoạt động cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Có thể bạn quan tâm