Đồng chí Bùi Thế Duy-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.L |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Thế Duy-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Nguyễn Như Quỳnh-Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, thanh tra khoa học-công nghệ của 58 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, các sản phẩm ngày càng đa dạng, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng thì hệ quả để lại vô cùng to lớn. Các vấn đề phát sinh liên quan đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều. Cách thức, phương thức phân biệt hàng giả, hàng nhái ngày càng khó. Điều đó đặt ra yêu cầu phải có nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo trao đổi chuyên môn để cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm. Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ những kiến thức mới cập nhật từ các tổ chức quốc tế, những văn bản quản lý nhà nước đến các sở, ban, ngành, địa phương. Các địa phương cần cập nhật lại thông tin, chia sẻ với Bộ Khoa học và Công nghệ về các vấn đề xảy ra trong thực tiễn. Cần tăng cường thanh tra để phát hiện hạn chế, khiếm khuyết, thiếu sót; đề ra các biện pháp khắc phục sớm. Công tác thanh tra phải trở thành công cụ hữu ích để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước.
: |
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: P.L |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chia sẻ: Khoa học-công nghệ đóng vai trò quan trọng, tạo cú hích trong phát triển. Trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các bộ, ban, ngành về khoa học-công nghệ. Hội nghị là cơ hội để các địa phương trao đổi kỹ năng, kiến thức và nội dung về thanh tra chuyên ngành. Qua đó, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố có thêm kiến thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hội nghị cũng là cơ hội để các địa phương giao lưu, gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển về khoa học-công nghệ trong thời gian tới.
Hội nghị đã tập trung đánh giá tổng kết công tác thanh tra. Trong năm 2023, Thanh tra ngành khoa học và công nghệ đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 8.066 cơ sở; trong đó thanh tra hành chính đối với 40 cơ sở, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 8.026 cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 359 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 8,08 tỷ đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là 82 triệu đồng và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước là 363 triệu đồng.
Quang cảnh hội nghị thanh tra khoa học và công nghệ toàn quốc. Ảnh: P.L |
Bên cạnh đó, Thanh tra ngành khoa học và công nghệ đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về tiếp công dân. Các phản ánh, kiến nghị của công dân về tiêu thụ hàng hóa thiết yếu như: xăng, dầu, hàng tiêu dùng...được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật, vì vậy không phát sinh các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Năm 2023, ngành khoa học và công nghệ đã tiếp 19 công dân đến trình bày về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đất đai; phản ánh về lĩnh vực xăng dầu, kinh doanh hàng hoá không đạt chất lượng; tiếp nhận 1.364 đơn khiếu nại, đến nay đã giải quyết 1.164 đơn…
Cùng với đó, công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm thực hiện. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về nghiệp vụ kê khai tài sản, thu nhập và xác minh tài sản, thu nhập cho lãnh đạo các đơn vị và công chức, viên chức về công tác hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị. Ảnh: P.L |
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra thuộc hệ thống thanh tra khoa học và công nghệ; đề ra một số giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra khoa học và công nghệ như: rà soát lĩnh vực, các khâu dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; đề xuất xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao năng lực, xây dựng lực lượng công chức làm công tác thanh tra…