Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 21-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. 
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phạm Bình Minh-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thành Long-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch.
Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng là năm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động hết sức tiêu cực và kéo dài đến kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo đó, trong năm 2021, Bộ Tư Pháp và các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 dự án luật khác. Các bộ, ngành cũng đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương đã ban hành 3.619 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh (tăng 13,6% so với năm 2020); 1.891 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện (tăng 90,8% so với năm 2020) và 2.588 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã (giảm 15,9% so với năm 2020).

Các đại biểu tại Gia Lai tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Ảnh: R'Ô HOK
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R'Ô HOK
Đồng thời, trong năm 2021, các cơ quan Thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với trên 45.705 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng theo dõi; đã thi hành 944 bản án, quyết định về vụ án hành chính, trong đó đã thi hành xong 455 việc (tăng 92 việc so với năm 2020). Ngành Tư pháp cũng thực hiện đăng ký khai sinh lại cho hơn 2,52 triệu trường hợp (tăng 130% so với năm 2020) và 3.265 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài (giảm 37,7% so với năm 2020); thực hiện đăng ký kết hôn cho tổng số 501.003 cặp (giảm 20,5% so với năm 2020)... Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử triển khai tại 63 tỉnh/thành đã ghi nhận có trên 21,2 triệu dữ liệu khai sinh; trên 2,7 triệu dữ liệu khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi đã được chuyển thành công sang Cơ sở dữ liệu quốc gia để cấp thẻ bảo hiểm y tế...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành Tư pháp cần thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành các quy định pháp luật; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ làm công tác tư pháp cả về chất lượng và số lượng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý giữa các địa phương. Ngoài ra, ngành Tư pháp cần tăng cường phối hợp với bộ ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thi hành án, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cá nhân; tiếp tục tranh thủ và phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tư pháp để nâng cao chất lượng hoạt động trước yêu cầu phát triển mới của đất nước.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm