Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục và Đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 31-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên. Dự hội nghị còn có đại diện một số sở, ban, ngành, trường học; lãnh đạo UBND và Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (bìa phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (bìa phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi

Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt với đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT cả nước đã thực hiện tốt mục tiêu kép đảm bảo an toàn phòng-chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học. Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ II năm học 2019-2020; hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục dạy học qua internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Trong hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, tỷ lệ học sinh phổ thông được học qua internet đạt 79,7%.

Cùng với đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được tổ chức rất thành công vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan và công bằng. Năm học 2019-2020 cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh điểm thi với điểm học bạ và cho thấy kết quả thi cơ bản phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương. Các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã phát huy tinh thần tự chủ, mở rộng phương thức tuyển sinh ngoài dựa trên kết quả thi tốt nghiệp như: xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực...

Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo toàn ngành triển khai tốt việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, dân chủ; thẩm định, phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày, tạo tiền đề thuận lợi để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi

Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016-2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng. Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%); kết quả và chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được giữ vững và nâng cao; công tác giáo dục học sinh khuyết tật được quan tâm đúng mức; công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ được thực hiện hiệu quả; chất lượng giáo dục dân tộc được nâng lên.

Ngoài ra, nước ta tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông đại trà; giáo dục phổ thông mũi nhọn giữ vững thành tích trên đấu trường quốc tế. Từ 2015 đến nay, học sinh Việt Nam đã đạt tổng số 212 huy chương, bằng khen tại các kỳ thi Olympic thế giới và khu vực, trong đó có 66 huy chương vàng. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt với 3 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, 8 trường đại học nằm trong danh sách các trường đại học hàng đầu Châu Á. Nhiều công trình, nghiên cứu khoa học của nước ta được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo giải quyết kịp thời một số vấn đề phát sinh đầu năm học 2020-2021 như: thiếu cục bộ sách giáo khoa và “ép” mua tài liệu tham khảo; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trường học; chấn chỉnh lạm thu trong các cơ sở giáo dục; thống nhất tiếp thu, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều...

Tại hội nghị, bên cạnh bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu, kết quả mà toàn ngành GD-ĐT đã đạt được trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016-2020, đại diện các ngành, địa phương, trường đại học... còn tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai hoạt động của ngành; từ đó đề ra nhiều giải pháp hay, hữu ích để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian đến.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thực hiện đổi mới GD-ĐT nhưng không được tách rời khỏi điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục, trong đó có chỉ tiêu biên chế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên. Ngành GD-ĐT phải hết sức cầu thị, tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, dù gay gắt nhưng đúng đắn của người dân. Từng cơ sở giáo dục trên cả nước phải thực sự là biểu tượng của văn hóa.

Đặc biệt, thời gian đến, ngành phải thật sự quyết liệt đi trước một bước về hội nhập quốc tế, không đi ngược lại với xu thế của thế giới. Cụ thể: phải đảm bảo đủ trường, lớp, giáo viên, điều kiện để học sinh phổ thông học hiệu quả 2 buổi/ngày; đa giáo dục phổ thông là bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào; các thiết chế giáo dục không chỉ là của chính quyền mà còn là của cộng đồng và phải được quản trị bằng cộng đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT cần có đánh giá sâu hơn nữa về quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Từ đó, đề ra những hướng đi hiệu quả hơn, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên ủng hộ giáo viên, học sinh miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ. Ảnh: Hồng Thi
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên ủng hộ giáo viên, học sinh miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ. Ảnh: Hồng Thi
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai hưởng ứng phát động ủng hộ giáo viên, học sinh miền Trung của Bộ GD-ĐT. Ảnh: Hồng Thi
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai hưởng ứng phát động ủng hộ giáo viên, học sinh miền Trung của Bộ GD-ĐT. Ảnh: Hồng Thi

Trước khi khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thay mặt Bộ GD-ĐT phát động toàn ngành quyên góp và kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ giáo viên, học sinh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ. Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, các đại biểu cũng đồng loạt hưởng ứng phát động này.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm