Khoa học - Công nghệ

Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến ở Gia Lai”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 25-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Ka

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cùng các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng tuyến tính truyền thống, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Nông-lâm nghiệp là một trong số các lĩnh vực được nhiều chuyên gia đề xuất ưu tiên lựa chọn triển khai kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đây là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh cần phải thay đổi nhận thức, điều chỉnh về chiến lược, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thể chế hóa các chính sách, công cụ pháp lý để hỗ trợ quá trình phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận như: Thực trạng, cơ hội, thách thức và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai; chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn và những vấn đề đặt ra để phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến tại tỉnh Gia Lai; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp-lâm nghiệp, du lịch sinh thái tại tỉnh Gia Lai; một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp kết hợp du lịch tại tỉnh Gia Lai;…

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Mai Ka

Qua thảo luận, các đại biểu đã làm rõ sự cần thiết của kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp ở Gia Lai và các thể chế, chính sách để thúc đẩy triển khai. Đặc biệt, nhiều đại biểu đã đề xuất các mô hình cùng với giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông-lâm nghiệp và chế biến nông lâm sản ở Gia Lai.

Có thể bạn quan tâm