Khoa học - Công nghệ

Công nghệ số: Động lực thúc đẩy lĩnh vực ưu tiên phát triển

Để tăng tốc phát triển bền vững, tỉnh Gia Lai xác định chuyển đổi số là động lực để góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số (CĐS) với 3 trụ cột chính gắn kết chặt chẽ với nhau, gồm: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

Trong lĩnh vực kinh tế, 100% doanh nghiệp (DN) đã thực hiện khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử; trên 20% DN có giao dịch thương mại điện tử; sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu mùa vụ phục vụ sản xuất; cơ sở dữ liệu về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; cơ sở dữ liệu quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; dữ liệu phục vụ phân tích và dự báo thị trường nông sản; cơ sở dữ liệu quản lý lâm nghiệp…

Trên lĩnh vực y tế, các cơ sở khám-chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tại địa chỉ (https://donthuocquocgia.vn) của Bộ Y tế; thực hiện thủ tục khám-chữa bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chip và qua ứng dụng VNeID; triển khai liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe; giấy chứng sinh…

Đối với lĩnh vực giáo dục-đào tạo, các đơn vị trường học đã thực hiện tuyển sinh đầu cấp qua dịch vụ công trực tuyến; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh sử dụng các phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động…

ba-le-4968-6886.jpg

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Thực hiện chương trình CĐS quốc gia, tỉnh đã tích cực xây dựng hành lang pháp lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy việc CĐS.

Tỉnh cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên và thúc đẩy CĐS trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, tài chính-ngân hàng... đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành và đạt được một số kết quả bước đầu.

Quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cộng đồng DN cũng ngày càng lan tỏa sử dụng các nền tảng số trong sản xuất kinh doanh, kê khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia các nền tảng thương mại điện tử...

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh-cho hay: “Toàn tỉnh hiện có hơn 10.100 DN, trong đó, trên 99% là DN nhỏ, vừa, siêu nhỏ. Mục tiêu CĐS mà DN hướng tới trước tiên là tăng tốc độ trong mọi công đoạn sản xuất kinh doanh dịch vụ, từ tăng năng suất lao động đến sản xuất, tiêu thụ nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm để thâm nhập nhanh vào thị trường, từ đó tăng hiệu quả từ kinh doanh đến tích lũy tái đầu tư”.

Đưa ra giải pháp nền tảng nông nghiệp MobiFone-MobiAgri đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, bà Nguyễn Thanh Vân-Quản lý kinh doanh sản phẩm MobiAgri (Tổng Công ty Viễn thông MobiFone) cho rằng: MobiAgri là nền tảng CĐS nông nghiệp trên cây trồng. Đơn vị đã phát triển ứng dụng được 3 năm trên toàn quốc.

Bà Nguyễn Ngọc Lệ-Giám đốc Khối DN vừa (Công ty cổ phần MISA) chia sẻ: “Hiện nay, trước nhu cầu CĐS, công nghệ AI khá mới cho các DN. Với MISA, trong quá trình triển khai giải pháp về CĐS thường nhận thấy các DN đang gặp một số khó khăn. Các giải pháp DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường sử dụng khá rời rạc, không được kết nối liên thông với nhau, dẫn đến doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí về nhân sự.

Còn đối với lĩnh vực y tế, HDBank đang có sản phẩm kiosk y tế thông minh mang đến tiện ích trong công tác khám-chữa bệnh của các cơ sở y tế. Ông Nguyễn Ngọc Khánh-Giám đốc HDBank-Chi nhánh Gia Lai-cho hay: “Với kiosk y tế thông minh, người bệnh sẽ thao tác nhanh gọn để đăng ký khám-chữa bệnh. Cơ sở y tế cũng sẽ quản lý được hồ sơ bệnh án, quản lý kinh phí khám-chữa bệnh của người dân. Hiện đơn vị đã triển khai vận hành tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Và, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Công an tỉnh và Sở Y tế, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai tại các cơ sở y tế trên địa bàn trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm