Kinh tế

Nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao một số giống cà phê mới năng suất, chất lượng cao như: TRS1, TR4, TR9; hướng dẫn ghép cải tạo vườn cà phê năng suất thấp, trồng cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C với quy mô 135 ha tại các huyện: Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa. Hiện các giống cà phê mới đạt năng suất bình quân 3,2 tấn nhân/ha.

day-manh-ung-dung-tien-bo-ky-thuat-trong-san-xuat-nong-nghiep-bg-2405-6331.jpg
Nông dân huyện Chư Păh áp dụng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho năng suất cao. Ảnh: N.D

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn xây dựng mô hình phục hồi vườn hồ tiêu chết chậm bằng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp; kết nối người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu bền vững; triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt trên nhiều loại cây trồng khác nhau.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trung tâm thực hiện các mô hình trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng, chuyển giao mô hình nuôi cá thát lát cườm, cá lăng nha đuôi đỏ và cá trong lồng bè ở một số hồ thủy điện tại các huyện: Chư Păh, Đak Đoa và Ia Grai.

Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Hàng năm, từ nguồn vốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ, đơn vị phối hợp với các địa phương lựa chọn thực hiện mô hình phù hợp với thực tế gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả và đang được nhân rộng như: sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP, giống mì kháng bệnh khảm lá vi rút, cà phê theo tiêu chuẩn 4C...

Thông qua các mô hình, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để người dân tiếp cận và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Nhờ vậy, người dân đã chuyển sang áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, 4C… để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân học tập, áp dụng vào sản xuất.

Ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho biết: Hàng năm, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực tế.

Riêng năm 2024, từ nguồn vốn khuyến nông địa phương khoảng 500 triệu đồng, Trung tâm đã triển khai mô hình trồng mì quy mô 12,5 ha bằng giống mới tại các xã: Chư Đang Ya, Ia Khươl, Ia Mơ Nông và Ia Phí; mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích 0,6 ha tại xã Ia Nhin. Đồng thời, chủ động phối hợp với các xã, thị trấn mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân.

“Hiện nay, nhiều mô hình do đơn vị triển khai đã phát huy hiệu quả như: trồng dưa lưới trong nhà màng; tưới nước tiên tiến, tiết kiệm trên cây cà phê và cây ăn quả. Các mô hình này đang được người dân triển khai nhân rộng”-ông Tấn nói.

Còn ông Nguyễn Công Thư-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ thì cho hay: Giai đoạn 2021-2023, Trung tâm đã triển khai gieo trồng thí điểm giống lúa BĐR57 tại một số xã; mô hình nuôi heo đen vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã: Yang Bắc, Ya Hội, An Thành; thực hiện tưới nước tiên tiến, tiết kiệm trên cây rau màu, cây ăn quả… Tất cả các mô hình này đều phát huy hiệu quả và đang được người dân nhân rộng.

Đề cập nhiệm vụ trong những năm tới, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin thêm: “Trung tâm sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật mới, công nghệ cao phù hợp với thực tế và dễ nhân rộng. Đặc biệt, ưu tiên những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa, kết nối người dân với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản”.

Có thể bạn quan tâm