(GLO)- Nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện TechDemo 2019, sáng 24-11, tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai tổ chức "Hội thảo Giám đốc các Trung tâm, tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ vùng Nam Trung bộ-Tây Nguyên".
Chủ trì buổi hội thảo có các ông: Tạ Việt Dũng-Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Trần Văn Quang-Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương; Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung bộ-Tây Nguyên.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Tấn |
Thời gian qua, các Trung tâm đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành khoa học và công nghệ (KH-CN). Bên cạnh việc phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH-CN, các Trung tâm còn đựơc định hướng chú trọng vào ứng dụng và chuyển giao công nghệ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo thống kê, trong năm 2019, các Trung tâm thuộc vùng Nam Trung bộ-Tây Nguyên đã làm chủ được 34 quy trình, công nghệ và sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị khác, trong đó trên 80% tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như: công nghệ nuôi cấy mô tế bào, sản xuất cây giống sạch bệnh đáp ứng nhu cầu của người sản xuất như: chuối, gừng, ba kích, lan rừng, lan kim tuyến, đông trùng hạ thảo... của Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên; công nghệ vi sinh trong sản xuất giá thể hữu cơ, chế phẩm sinh học, sản xuất giống nấm ăn, nấm dược liệu của Quảng Nam, Đak Lak, Bình Định, Ninh Thuận; công nghệ trồng rau bằng hệ thống thuỷ canh sản xuất rau an toàn, tiết kiệm diện tích chi phí thấp của Khánh Hòa, Kon Tum…
Hầu hết các địa phương đều đã hình thành được các khu, cụm, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đã cho kết quả khá tốt. Đến nay, các địa phương đều đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, theo đó đã ưu tiên dành nguồn lực cho việc nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình, tiêu chí về chất lượng trong sản xuất tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao. Nhiều sản phẩm chủ lực đã thực sự được khẳng định và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh nói riêng và vùng nói chung.
Ông Lê Đăng Pha-Phó Giám đốc phụ tránh Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Đak Lak tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Quang Tấn |
Tại hội thảo, lãnh đạo các trung tâm đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ của địa phương như: việc thực hiện các đề tài dự án từ nguồn kinh phí của địa phương và của Trung ương chỉ được phép chi trả một phần công lao động, vì vậy các Trung tâm gặp nhiều khó khăn về việc bổ sung nguồn nhân lực. Năng lực về nghiên cứu, ứng dụng của một số Trung tâm trong một số lĩnh vực chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Môi trường đầu tư và cạnh tranh chưa thuận lợi, chưa tạo được động lực cho việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất-kinh doanh…. Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương quan tâm tăng cường công tác đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cho các Trung tâm nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH-CN tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất. Đề nghị Bộ KH-CN mở các lớp tập huấn đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như chọn lọc, giới thiệu và phổ biến các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong và ngoài nước để các Trung tâm tham quan và học tập…
Quang Tấn