Kinh tế

Nông nghiệp

Hội thảo khoa học hợp tác phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 1-8, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương Gia Lai chủ trì Hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên-xu hướng tất yếu”.
Tại hội thảo, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Dũng-Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam giữ chức Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội tại khu vực Tây Nguyên. Trước đó, để tạo điều kiện cho quá trình hoạt động của Văn phòng đại diện Hiệp hội khu vực Tây Nguyên, ngày 10-6-2022, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 356/QĐ-UBND về việc cho phép Hiệp hội đặt Văn phòng đại diện tại tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Dũng cho biết: Tây Nguyên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cây dược liệu. Tây Nguyên hiện có khoảng 610 ngàn ha cà phê (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước), hơn 250 ngàn ha cao su (chiếm 26%), 90 ngàn ha hồ tiêu (chiếm hơn 60%), 83 ngàn ha điều (chiếm 28%), 12,6 ngàn ha sầu riêng (chiếm 34%) và nhiều loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, mật nhân, xuyên tâm liên, kim ngân...
Tuy nhiên, phần lớn người dân sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu dẫn đến việc phát triển của nông nghiệp phát sinh nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững.
Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, HTX, hộ dân sản xuất trang trại nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Lê Nam
Để nông nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả, trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn, chủ động ứng phó được rủi ro, có tính cạnh tranh quốc tế cao, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân cần phải xây dựng chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm cần có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ. Ngoài ra, cần mời gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kỹ thuật, am hiểu pháp lý để tổ chức kết nối sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và liên kết, hợp tác đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
Việc tổ chức hội thảo lần này cũng là dịp giao lưu tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm và giới thiệu những thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chí của các nền nông nghiệp tiên tiến hiện nay như: Úc, Nhật bản, Hàn Quốc, New Zealand...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Nam
Cũng tại hội thảo, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam khu vực Tây Nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở Khoa học và Công Nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai, các viện nghiên cứu thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việc Nam, Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Giáo dục Tây Nguyên và các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại nông nghiệp về hỗ trợ hợp tác trong sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và giúp các đơn vị tiếp cận chính sách ưu đãi tín dụng…
Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng đương quy xen trong vườn cà phê của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (huyện Đak Đoa); trang trại trồng nấm linh chi đỏ tại Công ty TNHH Lâm Nông nghiệp Vi sinh Vos Five A (huyện Đak Đoa) và mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ của hộ ông Nguyễn Đình Phú (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê).   
LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm