Du lịch

Hội thảo phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 12-11, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS-TS Lê Văn Lợi-Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; PGS-TS Đinh Ngọc Giang-Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); PGS-TS Nguyễn Ngọc Hòa-Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phát biểu chào mừng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho biết hội thảo là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023. Đây là cơ hội để Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương. Với tiềm năng, thế mạnh về du lịch, mỗi tỉnh Tây Nguyên đều có những địa danh nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến; đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây đã trở thành nguồn lực để phát triển du lịch Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Báo cáo đề dẫn, GS-TS Lê Văn Lợi khẳng định, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch sinh thái và văn hoá. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Toàn vùng còn có 450 di tích các loại, trong đó có 59 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt; trong đó có di sản cồng chiêng. Đây chính là tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người Tây Nguyên…

GS-TS Lê Văn Lợi-Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn. Ảnh: Hoàng Ngọc

GS-TS Lê Văn Lợi-Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tuy nhiên, phát triển du lịch nói chung, du lịch sinh thái, văn hoá nói riêng vùng Tây Nguyên hiện vẫn thiếu ổn định, chưa bền vững và tương xứng. Hội thảo mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cùng thảo luận làm rõ vấn đề lý luận chung, đánh giá thực trạng, tìm giải pháp, đề xuất kiến nghị nhằm phát triển bền vững du lịch văn hoá và du lịch sinh thái trong thời gian tới. Xác định mục tiêu đến 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, hình thành các khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng.

Tiến sĩ Cao Trí Dũng-Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tiến sĩ Cao Trí Dũng-Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ban tổ chức hội thảo đã tiếp nhận và tuyển chọn 50 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III, các cơ quan Trung ương, viện nghiên cứu, các trường đại học, trường chính trị và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng.

Hội thảo diễn ra trong 2 phiên, phiên 1 các đại biểu trình bày 1 số tham luận như: quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; phát triển du lịch dựa vào cộng đồng vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững; quan điểm, định hướng phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời phát biểu trao đổi về nội dung các tham luận đã trình bày.

Các diễn giả trao đổi bàn tròn các vấn đề về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Các diễn giả trao đổi bàn tròn các vấn đề về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phiên 2 trao đổi bàn tròn là diễn đàn để các diễn giả trao đổi về các vấn đề như: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch văn hóa và du lịch sinh thái tỉnh Gia Lai; định vị sản phẩm và liên kết xúc tiến quảng bá nhằm phát triển bền vững du lịch vùng Tây Nguyên; phát huy giá trị văn hóa bản địa Đak Lak trong phát triển du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên; phát triển du lịch thám hiểm hệ sinh thái vườn quốc gia vùng Tây Nguyên-thực trạng và giải pháp; phát huy tiềm năng di sản văn hóa các dân tộc tại chỗ để phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo, ban tổ chức sẽ tổng hợp và chắt lọc để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên về các giải pháp đột phá nhằm phát triển bền vững du lịch văn hóa, du lịch sinh thái trong bối cảnh mới.

Có thể bạn quan tâm