Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: V.T |
Tham dự có khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo các phòng chuyên môn về lĩnh vực nông nghiệp của các địa phương, hợp tác xã, hộ sản xuất tiêu biểu.
Toàn tỉnh hiện có hơn 837.000 ha đất sản xuất nông nghiệp phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái… Tuy nhiên, đến nay chỉ có gần 256.000 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn, trong đó 60.000 ha được cấp chứng nhận đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 43,1% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh). Chăn nuôi là một trong những thế mạnh với các dự án có quy mô lớn đã và đang được triển khai, trong đó có 11 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, 1 cơ sở được chứng nhận GlobalGAP. Vì vậy, việc đẩy mạnh triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm là vấn đề vô cùng cần thiết nhằm gia tăng giá trị cho cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu được truyền đạt các nội dung tập trung vào việc thực hiện quy trình chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững Rainforest Alliance, 4C; các tiêu chuẩn áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mục đích, lợi ích khi được chứng nhận… Hội thảo nhằm phổ biến kiến thức sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản để tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản và sản phẩm OCOP của tỉnh.