Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Hôm nay tắt sóng 2G, nhu cầu mua điện thoại 4G sẽ tăng mạnh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo kế hoạch đã được công bố, từ ngày hôm nay 15.10, dòng điện thoại phím bấm sử dụng công nghệ 2G Only sẽ chính thức bị tắt sóng. Nhiều đơn vị phân phối dự đoán nhu cầu đổi điện thoại 4G sẽ tăng nhanh từ sau thời điểm này. Vì sao lại như vậy?

Chỉ một số ít người còn đổi sang điện thoại 4G khi công nghệ mới ra mắt

Nhiều người đã nhanh chóng chuyển đổi điện thoại 2G sang 4G trước khi tắt sóng

Từ ngày 15.10, công nghệ 2G Only sẽ chính thức ngừng hoạt động, đánh dấu sự chuyển đổi cần thiết sang điện thoại 4G. Với số lượng thuê bao 2G giảm mạnh còn dưới 1 triệu, tình hình thị trường mua bán điện thoại phím bấm trở nên trầm lắng. Đa số người dùng đã chủ động nâng cấp lên điện thoại 4G, khiến nhu cầu mua bán điện thoại phím bấm trên mạng xã hội giảm đáng kể.

Bên cạnh việc hỗ trợ giảm giá, tặng SIM ưu đãi nhằm giúp cho người dân thuận tiện chuyển đổi, trong thời gian vừa qua, các nhà mạng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G. Các nhà mạng đều chuẩn bị số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (hỗ trợ 100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình. Một số doanh nghiệp di động có chính sách hỗ trợ tặng máy không cần đăng ký gói cước cho các các hộ nghèo, cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chuyển đổi sang máy điện thoại 4G.

Theo đại diện nhà mạng Viettel, trong tháng 9, tháng 10, số lượng khách hàng ra cửa hàng để chuyển đổi rất hiếm. Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại hệ thống FPT Shop cũng cho biết: "Hệ thống FPT Shop không có tình trạng khan hiếm do nguồn cung đã được chuẩn bị đủ nhiều từ giai đoạn cuối tháng 9. Và số lượng khách hàng chưa lên đời 4G dự kiến dưới 1 triệu nên số bán cũng không tăng trưởng đột biến trong những ngày gần đây".

Ghi nhận tại một số cửa hàng phân phối điện thoại khác, sức mua điện thoại 4G đã có dấu hiệu chững lại. Các nhà mạng cho biết số lượng thuê bao 2G chủ yếu là hai nhóm khách hàng: một nhóm ở vùng sâu vùng xa khó liên lạc được hoặc kiên quyết sử dụng điện thoại cũ đến lúc không dùng được nữa mới thôi, còn nhóm khách hàng khác là dùng SIM phụ, ít mở máy để liên lạc. Chính vì vậy, hiện nay, nhu cầu chuyển đổi cơ bản đã bão hòa và thị trường bớt "nóng" hơn trước.

Vì sao cơn sốt sẽ trở lại?

Nhiều người mua nhầm điện thoại 4G giả mạo (thực chất vẫn là điện thoại 2G) có thể sẽ "té ngửa" khi SIM của mình bị ngừng hoạt động sau ngày 15.10

Trong khi tình trạng tương đối ổn định trước giờ tắt sóng thì khá bất ngờ, nhiều đơn vị cung cấp điện thoại dự báo nhu cầu đổi máy 4G sẽ tăng lên từ sau thời điểm 15.10. Đại diện FPT Shop nhận định: "Theo dự đoán của chúng tôi, nhu cầu đổi điện thoại 4G sẽ tăng đột biến từ ngày chính thức cắt sóng, khi các máy 2G cũ không còn sử dụng được thì phần khách hàng còn lại này sẽ mới đi nâng cấp máy lên phiên bản 4G. Dự báo lượng khách này còn khoảng 500.000 - triệu người, nếu đổ dồn đi đổi điện thoại mới nhu cầu sẽ tăng lên đột ngột".

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Hoàng, Tổng giám đốc HMD Global khu vực Đông Dương cũng chia sẻ: "Tình hình mua sắm, trao đổi điện thoại 4G đã có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây, ngay trước thời điểm tắt sóng vào ngày 15.10. Hiện nay, lô hàng điện thoại 4G phím bấm của HMD vẫn đang trên đường về cảng, dự kiến đến ngày 20.10 mới có thể đưa ra thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi không quá lo lắng về chuyện đó, bởi vì nhu cầu đổi máy có thể sẽ tăng cao trở lại sau ngày 15.10".

Ông Nguyễn Việt Hoàng lý giải: "Bên cạnh lượng khách chờ đợi "nước đến chân mới nhảy", thị trường điện thoại 4G trong thời gian qua đã có không ít người mua nhầm hàng giả, hàng nhái, mặc dù cột sóng thể hiện 4G nhưng thực tế chỉ là dùng công nghệ 2G. Lượng khách mua nhầm hàng "fake" ước tính có thể lên đến hàng trăm ngàn người. Có lẽ đến lúc các nhà mạng chính thức tắt sóng vào ngày 15.10, họ mới nhận ra điện thoại không còn sử dụng được nữa. và như vậy buộc họ phải mua điện thoại mới".

Trước thực tế khá rắc rối này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, khuyến cáo: "Các nhà mạng cùng nhau lập cơ sở dữ liệu về các thuê bao 2G không còn được hòa mạng sau ngày 15.10 để truyền thông mạnh mẽ hơn, thông tin đầy đủ tới người dùng để tránh việc mua phải điện thoại 2G nhưng dán mác 3G, 4G, không dùng được. Việc thu mua lại thiết bị đầu cuối 2G cũng là một biện pháp để giúp thu gom và xử lý rác thải điện tử đúng quy trình, tránh số lượng thiết bị đầu cuối bị vứt bỏ, tiêu hủy như rác thông thường, hoặc sử dụng lại không đúng quy định".

Một số nhà mạng như VNPT, MobiFone cho biết sẽ bảo lưu tài khoản và có chính sách đặc biệt hơn dành cho các thuê bao bị cắt sóng sau ngày 15.10.

Theo Đinh Đang (TNO)

Có thể bạn quan tâm