Nhiều năm qua, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã triển khai chương trình 'Tủ quần áo 0 đồng' và 'Bếp ăn từ thiện' giúp những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Bếp ăn của người nghèo
Hơn 10 năm trước, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum khám bệnh và điều trị, trong đó dù bệnh nặng, nhưng nhiều người vẫn xin xuất viện về nhà tự chữa trị. Khi hỏi ra các bác sĩ mới biết họ không có điều kiện để điều trị nội trú.
Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh đó, các y bác sĩ đã đề xuất thực hiện “Bếp ăn từ thiện” để hỗ trợ họ. Trải qua hơn 10 năm thành lập (từ năm 2010), "Bếp ăn từ thiện" vẫn duy trì đều đặn 2 bữa/ngày. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 suất ăn miễn phí hỗ trợ cho bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân viên khoa dinh dưỡng chuẩn bị bữa cơm từ thiện. Ảnh: Đức Nhật |
Ngồi chờ đến giờ phát cơm, chị Y Tháp (39 tuổi, ngụ H.Đăk Tô, Kon Tum) tâm sự chị có 4 người con và thuộc diện hộ nghèo. Nhiều năm qua, căn bệnh suy thận đã khiến gia đình chị nợ càng dày thêm. Tuy được miễn giảm viện phí, nhưng chi phí ăn uống cũng khiến chị phải lo lắng rất nhiều. “Gia đình khó khăn, mình lại đau ốm suốt nên có bao nhiêu tiền đều dành để chữa bệnh. Nhờ có cơm từ thiện, mình không phải lo việc ăn uống nữa. Số tiền này mình sẽ tiết kiệm để chữa bệnh”, chị Y Tháp nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum), cho biết đến nay bếp ăn đã hỗ trợ cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân. Nguồn kinh phí để duy trì bếp ăn này chủ yếu vận động các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ.
Người dân đến nhận cơm từ thiện. Ảnh: Đức Nhật |
"Vừa mặc để ấm lòng"
“Ai thừa mang đến để/Ai thiếu đến lấy dùng/Mỗi người một, hai bộ/Vừa mặc để ấm lòng” là những câu thơ được dán lên khắp các tủ quần áo 0 đồng trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Bên tủ quần áo ở khoa Nhi, chị Y Huynh (20 tuổi, xã Đăk La, H.Đăk Hà, Kon Tum) đang lúi húi chọn bộ quần áo cho đứa con. Chị Huynh tâm sự con trai chị phải nhập viện điều trị vì bị viêm phổi. Toàn bộ số tiền gia đình tích cóp được đều dùng để chữa bệnh cho con nên chị không có điều kiện mua tã, quần áo. Nhờ tủ quần áo miễn phí của các y, bác sĩ tại khoa Nhi, cháu đã có tã và quần áo để mặc.
Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận trung bình từ 60 - 70 bệnh nhi, cao điểm là hơn 100 bệnh nhi/ngày. Nhiều gia đình đến đây có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Bệnh nhi nhập viện càng lâu ngày sẽ không có đủ quần áo để mặc. Vì thế, các y, bác sĩ tại khoa Nhi đã phát động chương trình “Tủ quần áo 0 đồng”.
Tủ quần áo này do các bác sĩ trong bệnh viện chung tay đóng góp, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp quần áo, tã và đồ dùng. Thông qua “Tủ quần áo 0 đồng”, các gia đình có thể thoải mái lựa chọn cho con em mình những bộ quần áo tươm tất, phù hợp.
"Tủ quần áo 0 đồng" giúp nhiều bệnh nhi có áo quần tươm tất. Ảnh: Đức Nhật |
Không dừng lại ở đó, phong trào tiếp tục được nhân rộng và hướng đến bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi. Đến nay bệnh viện đã có 4 tủ quần áo 0 đồng bố trí tại các khoa để hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Bác sĩ Đoàn Thị Tuần, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết “Bếp ăn từ thiện” và "Tủ quần áo 0 đồng" của bệnh viện đã trở thành điểm tựa vững chắc cho bệnh nhân. Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp tục triển khai, nhân rộng nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Theo Đức Nhật (TNO)