Công ty CP đô thị và môi trường Đắk Lắk dự tính cho hơn 200 công nhân vệ sinh môi trường nghỉ việc trước chủ trương giảm chi dịch vụ đô thị của TP.Buôn Ma Thuột.
Công nhân Công ty ĐT-MT Đắk Lắk thu gom rác trên đườ̀ng phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: HOÀNG BÌNH |
Rác ùn ứ, ai chịu trách nhiệm ?
Đầu năm 2021, Phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài chính - kế hoạch TP.Buôn Ma Thuột có biên bản làm việc với Công tyCP đô thị và môi trường (ĐT-MT) Đắk Lắk về nội dung: “Thống nhất khối lượng thực hiện và tỷ lệ tiết kiệm đối với các dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích đô thị đặt hàng trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột năm 2021”.
Theo biên bản này và các văn bản liên quan khác của UBND TP.Buôn Ma Thuột, dự toán giá trị thực hiện các dịch vụ đô thị năm 2021 đều bị cắt giảm nhiều so với năm 2020. Theo đó, dịch vụ chiếu sáng đô thị giảm từ 12,8 tỉ đồng xuống còn 8,7 tỉ đồng; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác giảm từ 30,8 tỉ đồng xuống còn 23,7 tỉ đồng; dịch vụ xử lý rác sinh hoạt giảm từ 8,3 tỉ đồng xuống còn 7,2 tỉ đồng; dịch vụ thoát nước đô thị giảm từ 6,9 tỉ đồng xuống còn 5,1 tỉ đồng; hoạt động quản lý công viên, trồng chăm sóc cây xanh... giảm từ 40,1 tỉ đồng xuống 29,9 tỉ đồng.
Ngoài ra, tần suất công việc năm 2021 cũng bị cắt giảm. Như tưới nước cỏ thảm, cây cảnh, bồn cảnh… giảm từ 90 lần xuống còn 60 lần/năm; những tuyến đường năm 2020 thực hiện quét 1 ngày/lần nay giảm còn 2 ngày/lần, tuyến quét 2 ngày/lần xuống 5 ngày/lần; tuyến quét 5 ngày/lần xuống 10 ngày/lần… Việc cắt giảm chi phí này đồng nghĩa giá trị dịch vụ đặt hàng đối với Công ty ĐT-MT Đắk Lắk thấp hơn trước, khiến việc làm ít hơn.
Tại buổi làm việc mới đây với các phòng chức năng TP.Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty ĐT-MT Đắk Lắk, cho biết công ty không đồng ý với chủ trương trên của UBND TP.Buôn Ma Thuột. Bởi lẽ, khi cắt giảm khối lượng, tần suất công việc thì phải làm rõ xem ai phải chịu trách nhiệm trước việc thành phố ùn ứ rác, cây xanh chết, cảnh quan môi trường đi xuống…
“Hiện công ty có khoảng 700 công nhân; nếu chủ trương trên được thực hiện, công ty buộc phải sa thải khoảng 200 - 250 lao động vì không đủ kinh phí để trả lương và chế độ cho người lao động”, ông Hà nói. Theo ông Hà, các cơ quan quản lý của TP.Buôn Ma Thuột cần có câu trả lời vì sao lại có chủ trương “thắt lưng buộc bụng” nói trên trong khi thành phố ngày càng phát triển, đòi hỏi dịch vụ môi trường ngày càng cao?
Chỉ là thử nghiệm!
Trước phản ứng của lãnh đạo Công ty ĐT-MT Đắk Lắk, ông Đặng Văn Trung, Phó trưởng phòng Tài chính - kế hoạch TP.Buôn Ma Thuột, cũng thừa nhận những bất cập của việc cắt giảm khối lượng công việc và chi phí dịch vụ môi trường. Tuy nhiên, theo ông Trung, do kinh phí phân bổ ít nên thành phố không xoay xở được.
Ông Phạm Thế Công, cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP.Buôn Ma Thuột, cho biết phòng đã xây dựng kế hoạch năm 2021 trên cơ sở vận hành dịch vụ đô thị - môi trường của năm 2020 nhưng tiền chỉ có 50%. “Việc cắt giảm giá trị thực hiện các dịch vụ là bài toán thử nghiệm, không phải áp đặt. Trong quá trình thực hiện, sẽ có lực lượng giám sát, đánh giá để có điều chỉnh cho phù hợp”, ông Công nói.
Trước thông tin có thể giảm lao động, giảm lương do giảm chi các dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị trong năm nay, nhiều công nhân Công ty ĐT-MT Đắk Lắk tỏ ra lo lắng.
“Tôi cùng nhiều lao động khác làm việc hàng chục năm trong công ty. Giờ nếu thành phố giảm phí dịch vụ, công ty giảm lương, nợ lương, thậm chí chấm dứt hợp đồng thì nhiều người chẳng biết đi đâu…”, một nữ công nhân chia sẻ.
Theo Trung Chuyên-Hoàng Bình (TNO)