Hơi thở Gen Z

Tips học tập

Hơn 4/5 người Việt đậu visa du học New Zealand, cao hơn trung bình thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

84% người học Việt Nam được cấp visa du học, khoảng 40 suất học bổng chính phủ dành riêng cho người Việt... là một số dữ liệu cho thấy New Zealand ‘rộng cửa’ chào đón du học sinh Việt.

Thống kê của INZ cho thấy, tỷ lệ chấp thuận visa du học của người Việt cao hơn trung bình thế giới. ẢNH: TUẤN HỒ
Thống kê của INZ cho thấy, tỷ lệ chấp thuận visa du học của người Việt cao hơn trung bình thế giới. ẢNH: TUẤN HỒ

Không dùng AI trong hồ sơ xin visa du học

Trong hội thảo về visa du học thuộc khuôn khổ ngày hội giáo dục New Zealand diễn ra cuối tuần qua, ông Mark Andrew, đại diện Sở Di trú New Zealand (INZ), cho biết từ tháng 10.2023 đến cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ chấp nhận visa du học của sinh viên quốc tế trên toàn cầu là 75%, trong khi du học sinh Việt có tỷ lệ cao hơn, ở mức 84%. Song, ông vẫn khuyên ứng viên Việt Nam nộp hồ sơ xin visa du học trực tuyến ít nhất 3 tháng trước khi nhập học vì thời gian xử lý có thể kéo dài.

Cụ thể, thời gian xử lý hồ sơ visa du học kéo dài 4,8 tuần với bậc trung học và lên đến 5,6 tuần đối với bậc ĐH. Vào những dịp cao điểm từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau hay từ tháng 6 đến tháng 8, thời gian xử lý còn kéo dài hơn.

Ông Andrew cũng cho biết, tổng lệ phí xin visa du học tăng từ ngày 1.10, bao gồm phí visa du học và phí bảo tồn và du lịch quốc tế (IVL). Trong đó phí visa du học tăng 1,9 lần, từ 395 NZD lên 750 NZD (11,3 triệu đồng). Còn phí IVL tăng 2,9 lần, từ 35 NZD lên 100 NZD (1,5 triệu đồng). Bên cạnh đó, phí visa làm việc sau tốt nghiệp (PSW) tăng 2,4 lần, từ 700 NZD lên mức 1.670 NZD (25,2 triệu đồng).

Ứng viên xin visa du học cũng cần chứng minh mình có đủ tiền để trang trải học phí năm đầu tiên, cùng với số tiền 17.000 NZD (260 triệu đồng). Để tăng độ tin cậy, ông Andrew đề xuất ứng viên nộp bản sao kê 3 tháng gần nhất, bằng chứng được cấp học bổng… Thậm chí, ứng viên cũng có thể cung cấp cho cán bộ di trú kế hoạch tài chính của gia đình dành cho việc du học.

Phụ huynh và học sinh nghe đại diện trường New Zealand tư vấn. ẢNH: NGỌC LONG
Phụ huynh và học sinh nghe đại diện trường New Zealand tư vấn. ẢNH: NGỌC LONG

Khi có visa du học trong tay, học sinh trung học và sinh viên ĐH có thể làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học, được quyền làm toàn thời gian trong kỳ nghỉ nhưng học sinh cần có sự đồng ý của phụ huynh và nhà trường. Trong khi đó, học viên cao học không bị giới hạn thời gian làm thêm trong quá trình học.

Những sinh viên mong muốn làm việc ở New Zealand sau khi tốt nghiệp có thể xin visa PSW. Visa này cho phép du học sinh tại New Zealand lưu trú trong ít nhất 30 tuần. Thời hạn visa kéo dài 3 năm đối với ứng viên học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Với ứng viên học chương trình cử nhân hay chương trình sau ĐH, tiền thạc sĩ, thời hạn visa tương đương thời gian của chương trình học.

Học bổng chính phủ được đơn giản hóa

Tại sự kiện, đại diện cơ quan giáo dục New Zealand (ENZ) cho biết tiếp tục triển khai chương trình học bổng chính phủ New Zealand bậc trung học (NZSS) vào năm 2025, dự kiến nhận đơn ứng tuyển từ 9.1 đến ngày 16.3. Tiêu chí ứng tuyển không đổi so với năm ngoái. Ứng viên chỉ cần đạt điểm trung bình từ 8 trở lên, có chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0, cùng video ứng tuyển dài 90 giây.

Tuy tiêu chí không thay đổi nhưng đại diện ENZ cho biết yêu cầu tiếng Anh sẽ linh hoạt hơn. “Những ứng viên chưa có chứng chỉ được phép yêu cầu trường ở New Zealand xếp buổi phỏng vấn hoặc cho làm bài kiểm tra tương đương để xác nhận trình độ tiếng Anh của mình. Bên cạnh đó, trong video ứng tuyển, ứng viên cần trình bày bằng tiếng Anh để chứng minh khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình”, đại diện ENZ cho hay.

Bên cạnh đó, đơn ứng tuyển trực tuyến cũng được đơn giản hóa so với năm trước. Thay vì khai báo cả thông tin trường yêu cầu, ứng viên chỉ cần cung cấp các thông tin: thông tin liên lạc của phụ huynh và học sinh kèm hộ chiếu; bảng điểm của năm học 2023-2024 và của học kì 1 năm học 2024-2025; chứng chỉ tiếng Anh; video ứng tuyển; lựa chọn về trường học và nơi lưu trú ở New Zealand; thư chấp thuận của phụ huynh. Sau khi được cấp học bổng, ứng viên tiếp tục cập nhật thông tin theo thông báo của nhà trường.

Ngày hội giáo dục New Zealand năm nay thu hút hàng trăm phụ huynh và người học tham gia. ẢNH: NGỌC LONG
Ngày hội giáo dục New Zealand năm nay thu hút hàng trăm phụ huynh và người học tham gia. ẢNH: NGỌC LONG

Còn với học bổng toàn phần bậc sau ĐH từ chính phủ New Zealand (Manaaki), bà Hoa Phạm, quản lý chương trình phát triển của Đại sứ quán New Zealand, cho biết ngoài những lĩnh vực như quản trị thiên tai, năng lượng tái tạo, quản trị nhà nước, ứng viên có thể chọn một lĩnh vực được ưu tiên mới nhất là công nghệ bán dẫn. Theo bà Hoa Phạm, học bổng Manaaki cũng ưu tiên những ứng viên có tiến trình học tập liên tục kể từ bằng cấp cao nhất; ứng viên ở các khu vực khó khăn theo danh sách của chương trình.

Bà Hoa Phạm cho biết, phía New Zealand đánh giá cao tính trung thực. “Đơn cử, ứng viên không cần phải nộp hợp đồng lao động để chứng minh số năm kinh nghiệm trong hồ sơ. Đây là chính sách nhân văn, nhưng nếu hội đồng tuyển sinh phát hiện khai báo thông tin không chính xác, người chịu thiệt thòi sẽ là ứng viên”, bà Hoa Phạm chia sẻ.

Bà Hoa Phạm cho biết thêm, năm nay chương trình học bổng Manaaki cấp 25 suất cho ứng viên Việt Nam. Ứng viên có thể nộp đơn từ tháng 2.2025 và nhận kết quả vào tháng 9 sau khi trải qua quá trình sàng lọc, hoàn thành một bài kiểm tra tư duy và phỏng vấn trực tuyến.

Theo Tuấn Hồ (TNO)

Có thể bạn quan tâm