Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Hơn 50 triệu ô tô, xe máy sẽ phải lắp màng lọc khí thải ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự thảo luật Bảo vệ môi trường đề xuất phương tiện giao thông sẽ phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải.
Giao thông được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường ẢNH: ĐỘC LẬP
Giao thông được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường ẢNH: ĐỘC LẬP

Nếu quyết định này được thông qua, hơn 50 triệu ô tô, xe máy cũ trên cả nước sẽ phải lắp thêm màng lọc khí thải để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Không thể tiếp tục trì hoãn
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm), cho biết từ tháng 1.2017, các loại ô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu đều đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 với ô tô và Euro 3 với xe máy theo lộ trình Quyết định 49/QĐ-TTg về tiêu chuẩn khí thải của Chính phủ. Theo đó, các loại xe mới đều đã có sẵn bộ chuyển đổi xúc tác để làm giảm phát thải độc hại.
Tuy nhiên, với hàng chục triệu xe máy, ô tô sản xuất trước 2017 chưa có bộ lọc này. “Việt Nam đang là một trong những nước đi đầu khu vực về tiêu chuẩn khí thải, như ô tô sản xuất mới chúng ta đã áp dụng Euro 4, theo lộ trình cuối năm 2021 - 2022 sẽ chuyển sang Euro 5”, ông Phương khẳng định và cho biết nếu được lắp bộ lọc khí thải sẽ giảm lượng phát thải độc hại của phương tiện, có tác động tích cực tới môi trường.
Hiện, Việt Nam có khoảng 3,5 triệu ô tô và hơn 50 triệu xe máy, mô tô đang lưu hành. Nếu áp dụng tiêu chuẩn này, sẽ có khoảng 51 - 52 triệu ô tô, xe máy đời cũ phải lắp màng lọc khí thải.
Ủng hộ quy định này, TS Lê Việt Phú, giảng viên Trường đại học Fullbright, cho biết tại nhiều nước, tất cả phương tiện lưu thông trên đường phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn phát thải môi trường.
“Vấn đề là bao nhiêu năm qua, chúng ta luôn lấy cái nghèo ra để biện minh, cản trở hầu hết các chính sách liên quan đến xe máy như kiểm định, loại xe quá đát, trong khi môi trường thì ngày càng ô nhiễm. Đã đến lúc không thể trì hoãn hơn được nữa. Chưa kể quy định bắt buộc áp dụng chung với tất cả các loại phương tiện, không chỉ riêng xe máy nên không thể đòi hỏi sự ưu ái hay tiếp tục biện minh bằng cái nghèo”, ông Phú nói.
Đồng tình, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng về mặt kỹ thuật, việc lắp đặt thêm bộ lọc khí thải không có gì khó khăn. Các phương tiện sản xuất từ năm 2000 trở về đây đều dễ dàng lắp thêm thiết bị này ngay trên ống thải. Các loại phương tiện xe cơ giới quá cũ, sản xuất trước năm 2000 có thể sẽ không phù hợp do thiết bị lọc khí thải thường được sản xuất mới đây. Tuy nhiên, đối với những phương tiện quá cũ đã có quy định xe hết niên hạn không được phép lưu thông và các TP lớn đang từng bước triển khai kiểm định xe máy, tiến tới loại bỏ xe “hết đát” nên vấn đề này không quá lo ngại.
Giao thông được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường ẢNH: ĐỘC LẬP
Giao thông được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường ẢNH: ĐỘC LẬP
Giảm thuế, hỗ trợ người dân chi phí lắp đặt
Thực tế nhiều năm nay, các chính sách “động” tới xe máy đều vấp phải sự phản ứng của đa số người dân, nên thường thất bại ngay từ đề án, do đây là phương tiện liên quan nhiều tầng lớp xã hội.
Chắc chắn không triển khai thực hiện kiểm tra khí thải đồng loạt với toàn bộ mô tô, xe gắn máy đang lưu hành mà sẽ có lộ trình theo thời gian, địa bàn, đối tượng
Ông Đặng Trần Khanh (Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm)
Theo ông Nguyễn Văn Phương, nếu ban hành quy định bắt buộc các phương tiện lắp màng lọc khí thải thì phải hậu kiểm được, tức phải kiểm định với cả ô tô và xe máy. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải xe máy, xe máy chưa phải đăng kiểm.
“Việc kiểm soát khí thải là cần thiết song phải có lộ trình phù hợp, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Với xe máy hơn 50 triệu chiếc, nếu kiểm định thì hơn 200 trung tâm đăng kiểm trên cả nước hiện nay không thể đáp ứng được, mà phải tận dụng các cơ sở bảo dưỡng của chính các hãng xe máy. Ngoài vấn đề hậu kiểm, người sử dụng xe máy cũ đa phần là người lao động có thu nhập thấp, việc lắp thêm màng lọc trị giá vài trăm đến cả triệu đồng cũng là món tiền không nhỏ”, ông Phương nhìn nhận.
Khảo sát cho thấy, tùy đời xe và loại nhiên liệu sẽ phải lắp các loại thiết bị lọc khí thải khác nhau, chi phí dao động trong khoảng 2 - 4 triệu đồng/thiết bị đối với xe máy, có loại lên tới hàng chục triệu đồng đối với ô tô.
TS Lê Việt Phú cho rằng chi phí cho việc triển khai gắn màng lọc đồng bộ cho tất cả các phương tiện, máy móc... thực chất không phải vấn đề to tát đối với người sử dụng ô tô, xe máy hiện nay... Người sử dụng phương tiện phát thải thì phải có trách nhiệm tự chi trả. Tuy nhiên để tránh việc thực thi theo kiểu đối phó, lắp các thiết bị không hiệu quả để cho có, đơn vị quản lý cần thông tin đầy đủ yêu cầu chất lượng màng lọc, kiểm định như thế nào, thời hạn sử dụng bao lâu... để chính sách thật sự phát huy tác dụng
Cũng theo ông Phú, hiện nay, mỗi người dân đều phải đóng thuế bảo vệ môi trường. Bản chất loại thuế này được Chính phủ sử dụng để thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường nhưng thực tế thời gian qua lại dùng chủ yếu để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Mặt khác, số lượng xe máy ngày càng gia tăng, người dân sử dụng xe cá nhân ngày càng nhiều và dễ dàng. Chính sách về thuế không còn hữu dụng nữa mà phải có thêm các giải pháp kỹ thuật. Do đó, Chính phủ có thể xem xét phương án yêu cầu người dân tự lắp thiết bị màng lọc cho phương tiện của mình nhưng giảm thuế môi trường để cân bằng các chính sách một cách hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn.
Từng bước loại bỏ xe “hết đát”
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm, thông tin bên cạnh dự thảo luật Bảo vệ môi trường, dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng đưa nội dung kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào. Trong đó đề xuất mở rộng đối tượng đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành.
Nhiều nước cũng quy định tất cả các phương tiện phải lắp bộ lọc không khí. Việt Nam đã gia nhập ASEAN, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng phải hòa nhập theo xu hướng của các nước. Loại bỏ ô nhiễm môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe người dân. Không thể vì mãi sợ đụng chạm mà dập tắt hết tất cả các chính sách liên quan đến xe máy.   
TS Phạm Xuân Mai
Sau khi luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ lộ trình cụ thể để triển khai công tác kiểm định khí thải đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Quá trình xây dựng lộ trình sẽ lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động để nhân dân có thời gian chuẩn bị, thích ứng đem lại hiệu quả về cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố.
“Chắc chắn không triển khai thực hiện kiểm tra khí thải đồng loạt với toàn bộ mô tô, xe gắn máy đang lưu hành mà sẽ có lộ trình theo thời gian, địa bàn, đối tượng”, ông Khanh nói và cho biết lộ trình thực hiện sẽ được xây dựng thận trọng, theo từng phạm trù như: lộ trình về thời gian (chia ra nhiều giai đoạn), lộ trình về đối tượng (ví dụ lựa chọn các xe phân khối lớn trước, xe cũ trước), lộ trình về địa bàn...
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, nguyên Cục phó Cục Đăng kiểm, điểm vướng lớn nhất chính là việc kiểm soát khí thải với xe máy, đối tượng chịu tác động nếu kiểm soát xe máy đa phần là người có thu nhập thấp, bà con nông dân đi họp chợ. Năm 2010, khi đề xuất đề án kiểm soát khí thải xe máy, Cục đã phân tích đề nghị xem xét kỹ tác động này. Nếu đưa việc kiểm soát khí thải xe máy vào luật phải có lộ trình. Trước hết, thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, bắt đầu từ các quận nội thành. Ngoài ra, theo kinh nghiệm các nước, sẽ áp dụng với các xe phân khối lớn trước.
“Các TP lớn đều rất muốn thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, nhưng vẫn vướng do chưa có quy định. Nếu việc này đưa luật hóa, Hà Nội hay TP.HCM có thể kiểm soát khí thải trước tại các quận nội thành, song không cấm tuyệt đối mà tạo lộ trình cho người dân loại bỏ dần xe máy cũ không đạt chuẩn khí thải”, ông Trí nhìn nhận.
Theo Mai Hà-Hà Mai (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm