Kinh tế

Nông nghiệp

Hơn 779 tỷ đồng phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 26-7, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1949/KH-UBND thực hiện Chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận (hoặc tương đương), giống mới, giống chất lượng cao trong sản xuất đối với cây lúa đạt trên 90%, cây cà phê đạt 80%, cây ăn quả đạt 70%, cây mía đạt 95%; giống bắp, chè, cao su, điều, tiêu, mì, rau, nấm đạt 90%. Đến năm 2030, nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận (hoặc tương đương), giống mới, giống chất lượng cao trong sản xuất đối với cây lúa đạt 95%, cây cà phê đạt trên 90%, cây ăn quả đạt 85%, cây mía đạt 100%; bắp, chè, cao su, điều, hồ tiêu, mì, rau, nấm đạt 100%.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, tăng tỷ lệ sử dụng giống mới, giống chất lượng cao cho sản xuất, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng địa phương nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Đến năm 2025, tỷ lệ sản xuất giống bò đáp ứng khoảng 80%, giống heo khoảng 115%, giống gia cầm khoảng 30%, giống dê khoảng 35% nhu cầu sử dụng của người chăn nuôi. Đến năm 2030, tỷ lệ sản xuất giống bò đáp ứng khoảng 100%, giống heo khoảng 161%, giống gia cầm khoảng 85%, giống dê khoảng 80% nhu cầu sử dụng của người chăn nuôi.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cung cấp khoảng 80% giống từ nguồn giống được công nhận, có chứng chỉ giống theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; trong đó, trên 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng phục vụ việc trồng rừng; năng suất rừng trồng thâm canh giống mới trung bình 15 m3/ha/năm. Đến năm 2030, phấn đấu ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; năng suất rừng trồng thâm canh giống mới trung bình 20 m3/ha/năm.

Đối với lĩnh vực thủy sản, phấn đấu đến năm 2025 sản xuất trong tỉnh đạt 5,3 triệu con giống, chiếm 46% nhu cầu giống thả; nhập ngoại tỉnh 6,3 triệu con giống, chiếm 54% nhu cầu giống thả. Duy trì lưu giữ 1,5 tấn cá bố mẹ phục vụ sản xuất giống nhân tạo. Đến năm 2030, đảm bảo 100% con giống cung ứng chất lượng và sạch bệnh tại chỗ; sản xuất trong tỉnh đạt 9,5 triệu con giống, chiếm 56% nhu cầu giống thả; nhập ngoại tỉnh 7,5 triệu con giống, chiếm 44% nhu cầu giống thả. Chọn lọc, lưu giữ 2 tấn cá bố mẹ phục vụ sản xuất giống nhân tạo.

Kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch là hơn 779 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp 89,25 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 30 tỷ đồng, vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân 84 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 576 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm