Từng được đánh giá cao nhờ loạt sản phẩm thiết kế đẹp, nhiều tính năng nhưng HTC giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Cách đây khoảng 10 năm, HTC được xem là thế lực trong làng di động. Công ty Đài Loan cũng chính là cái tên đầu tiên mang smartphone Android tới người dùng, trước khi hệ điều hành Google lớn mạnh như ngày nay. HTC Dream - chiếc điện thoại chạy Android thương mại hóa đầu tiên trên thế giới vẫn được nhắc đến như một phần lịch sử của hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới.
HTC One từng nhận nhiều lời khen từ chuyên gia lẫn người dùng. Ảnh: Slashgear. |
Thị trường smartphone những năm gần đây có xu hướng về một thiết bị càng đơn giản càng tốt: màn hình viền mỏng, nguyên khối, tích hợp sạc không dây... Các chi tiết này thường được nhà sản xuất nhấn mạnh là ưu điểm trong cuộc đua giành danh hiệu chiếc điện thoại hoàn hảo nhất.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá khứ, có thể bạn sẽ giật mình khi HTC từng có nhiều ý tưởng lớn tương tự vậy. Chẳng hạn, HTC One ra mắt 2013 dùng nhôm nguyên khối khi iPhone vẫn dùng kính, hay bắt tay Beats Audio để trang bị loa kép mặt trước cho trải nghiệm âm thanh bằng loa ngoài vượt trội. Hoặc HTC Hero là smartphone đầu tiên có cổng giắc 3,5mm.
Năm 2018, máy ảnh kép với chế độ chân dung là "cơn sốt", nhưng One (2014) đã có. Dù thiết kế chưa đẹp, ít tính năng, khả năng chụp hạn chế, không thể phủ nhận HTC đi trước thời đại qua smartphone này.
HTC One (2014) có camera kép. Ảnh: Techcrunch. |
Nhưng HTC cũng là nạn nhân của việc tiếp thị kém. Apple và Samsung là hai hãng cùng thời với công ty Đài Loan, cũng có những sản phẩm đi trước thời đại. Vậy tại sao HTC không phải là vua của thế giới điện thoại thông minh, hoặc ít nhất là một trong ba thương hiệu hàng đầu?
Một số chuyên gia sau khi nghiên cứu về trường hợp của HTC đều cho rằng, ý tưởng tuyệt vời không có nghĩa là sẽ thành công nếu chúng không được truyền bá tốt. Cạnh tranh về sản phẩm công nghệ ngày nay là một "trò chơi tiếp thị".
Lịch sử chứng minh tiếp thị có lẽ là điểm yếu lớn nhất của HTC. Khẩu hiệu ban đầu của hãng là "Quietly Brilliant" (tạm dịch: Toả sáng thầm lặng) không còn biểu đạt tham vọng cũng như sự đổi mới. Bên cạnh đó, những chiến dịch có phần kỳ lạ, điển hình Robert Downey Jr. quảng bá M9 bị nhận xét là khó hiểu vì rất ít liên quan đến sản phẩm.
Trong thời kỳ đỉnh cao (2009), HTC phát hành hơn 100 điện thoại các loại. Điều đó thể hiện sự tiến bộ, cũng như nắm bắt thị trường tốt. Tuy vậy, việc ra quá nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn khiến người dùng cho không thể tìm ra đâu là cao cấp, tầm trung và giá rẻ. Hậu quả tất yếu là sản phẩm bão hòa.
HTC là một trong những hãng smartphone đi đầu về trào lưu đổi màu mặt lưng. Ảnh: DigitalTrends. |
Ngược lại, các đối thủ đang lên khi đó như Apple, Samsung ra mỗi năm chỉ một hoặc hai sản phẩm, giúp đơn giản hóa trong việc lựa chọn thiết bị cao cấp mà không phải lo lắng về thông số kỹ thuật. Có thể công ty iPhone bị nhận xét là cố chấp, cứng nhắc, nhưng rõ ràng nó mang lại hiệu quả hơn những gì HTC đã làm.
HTC cũng đặt tên khá kỳ lạ và không hề theo trình tự khiến người dùng khó nhớ, chẳng hạn Salsa, Pyramid, Sensation, ChaCha (điện thoại dành riêng cho Facebook)... Trong khi đó, Samsung lại rất rạch ròi về vấn đề đặt tên: Galaxy S, Note là thiết bị cao cấp, Galaxy A thuộc tầm trung hay Galaxy J giá rẻ. "Nó giúp người dùng phân biệt từng loại sản phẩm mà không cần nhìn thông số kỹ thuật", một chuyên gia nhận xét.
Công ty Đài Loan cũng khá bảo thủ trong việc hợp tác với nhà mạng. Nếu như các hãng khác xem đây là một trong những kênh phân phối quan trọng, HTC lại khá nhập nhằng. Chẳng hạn, U11 được đánh giá tốt từ các nhà phê bình, nhưng chỉ phân phối bởi Sprint. Đồng thời, việc loạt sản phẩm về sau ngày càng kém hấp dẫn cũng là lý do khiến nhà mạng thờ ơ không phân phối nữa, kể cả khi HTC có động thái ưu tiên.
Ngoài ra, có thể xem HTC là nạn nhân của Google, khi những tinh hoa về bộ phận di động của hãng về tay công ty tìm kiếm. Năm 2017, HTC đồng ý bán đội ngũ thiết kế và phần lớn bằng sáng chế cho Google với giá 1,1 tỷ USD. 2.000 nhân viên thiết kế HTC sau đó cũng về làm việc trong bộ phận phát triển điện thoại Pixel. Giờ đây, Pixel bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường và điều này có công rất lớn của HTC cộng thêm khả năng tiếp thị tốt.
Kính thực tế ảo Vive có thể xem là tương lai của HTC. Ảnh: PCMag. |
Sau một thập kỷ hoạt động tốt, giá cổ phiếu HTC đã giảm tới 75% trong 5 năm trở lại đây, cho thấy sự thụt lùi của một thương hiệu được kỳ vọng. Hãng vẫn là công ty công nghệ, nhưng có thể không còn là một nhà sản xuất điện thoại thực thụ.
Thực tế, nguồn sống của doanh nghiệp Đài Loan đến từ Vive - thiết bị đi đầu cho trải nghiệm thực tế ảo (VR) cao cấp - thay vì một smartphone nào đó. Vive đã tạo ra doanh thu ban đầu cho HTC và chiếm 35,7% thị trường VR tính đến hết 2018.
Bảo Lâm (theo Slashgear/VNE)