Thể thao

Huấn luyện viên Park Hang-seo khẳng định vị thế ở Đông Nam Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam từ nguồn cơn thất bại 0-3 cay đắng của đội U23 trước Thái Lan tại SEA Games 2017. Sau 5 năm dẫn dắt một đội bóng Đông Nam Á, tất cả đều phải thừa nhận rằng Việt Nam là số 1. 

“Tại sao phải sợ Thái Lan?”

"Chúng tôi không bao giờ coi Thái Lan là một đối thủ trên tầm. Nhưng chẳng hiểu sao khi bước vào trận đấu, động lực bằng lời nói chẳng thể chuyển thành nỗ lực dưới sân và kết quả” - một cầu thủ thuộc lứa U23 Việt Nam từng chinh phục ngôi Á quân U23 Châu Á 2018 nhớ lại thất bại cay đắng 0-3 trước U23 Thái Lan tại SEA Games 2017.

Đó không phải là cảm nhận duy nhất của một cầu thủ Việt Nam. Lật giở nhiều năm trước đó, bóng đá Việt Nam từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến đội tuyển trẻ đều coi Thái Lan như "nỗi khiếp sợ".

Huấn luyện viên Park Hang-seo ngày ra mắt bóng đá Việt Nam cách đây 5 năm. Ảnh: Hải Đăng

Huấn luyện viên Park Hang-seo ngày ra mắt bóng đá Việt Nam cách đây 5 năm. Ảnh: Hải Đăng

Kể từ sau thắng lợi 2-1 tại Rajamangala năm 2008, đội tuyển quốc gia Việt Nam không thắng thêm Thái Lan ở một trận chính thức. Dưới thời huấn luyện viên Toshiya Miura, Việt Nam thua đậm Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018. Dưới thời huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, U23 Việt Nam bị Thái Lan loại ngay từ vòng đấu bảng. Những câu nói như “Không sợ Thái Lan”, suy cho cùng cũng chỉ là trót lưỡi đầu môi.

Đội tuyển Việt Nam đâu chỉ sợ mỗi Thái Lan ở Đông Nam Á. Bởi thậm chí, ngay trước khi có cơ hội được gặp "Voi chiến”, Việt Nam đã thất bại trước Indonesia hay Malaysia. Huấn luyện viên Miura - người từng dẫn dắt Việt Nam ở AFF Cup 2014 - chẳng thể hiểu vì sao đội nhà lại có một trận bán kết lượt về đầy thảm bại và cay đắng trước Malaysia đến như vậy.

Hai năm sau, huấn luyện viên Hữu Thắng cùng tuyển Việt Nam chịu trận trước Indonesia cũng ở vòng bán kết. Giai đoạn từ 2014 đến 2017 là một quãng thời gian đan xen giữa kỳ vọng và thất vọng. Bóng đá Việt Nam khi đó không phải không có tài năng, nhưng những kết quả với các đội nhóm đầu khu vực lại cho thấy, Việt Nam chưa thể vươn đến tầm số 1 Đông Nam Á như nhiều người vẫn hay mơ mộng lúc bấy giờ.

Nhưng huấn luyện viên Park Hang-seo đã phá vỡ làn sương mờ ảo hư hư, thực thực ấy. Chiến thắng đầu tiên của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan tại giải giao hữu M-150 Cup là khởi đầu cho một đội tuyển Việt Nam không còn biết sợ đội bóng nào ở Đông Nam Á.

Trợ lý Lee Young-jin khẳng định, niềm tin của các cầu thủ Việt Nam lớn hơn rất nhiều sau khi ông Park giúp họ thắng Thái Lan. Để rồi thừa thắng xông lên, tuyển Việt Nam của ông Park đánh bại liên tiếp Indonesia, Malaysia hay Thái Lan từ cấp độ U23 đến đội tuyển quốc gia, từ đấu trường khu vực đến các giải châu lục.

Tuyển Việt Nam vươn lên số 1 Đông Nam Á (theo bảng xếp hạng FIFA) dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo. Ảnh: Trung Thu

Tuyển Việt Nam vươn lên số 1 Đông Nam Á (theo bảng xếp hạng FIFA) dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo. Ảnh: Trung Thu

Ngạo nghễ, tự tin ở khu vực

“Từ nay trở đi, tuyển Việt Nam không việc gì phải sợ tuyển Thái Lan nữa” - huấn luyện viên Park Hang-seo nói từng chữ một cách tròn vành rõ tiếng sau chiến thắng đậm nhất lịch sử của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan cách đây 4 năm.

Và quả thực, bóng đá Việt Nam không còn ngại Thái Lan, không còn kỵ dơ với Indonesia hay Malaysia. Hai tấm huy chương vàng SEA Games cùng danh hiệu tại AFF Cup là sự khẳng định cho vị thế rõ ràng của tuyển Việt Nam dưới thời ông Park Hang-seo: Việt Nam là số 1 Đông Nam Á.

Cách mà chiến lược gia người Hàn Quốc đem đến sự tự tin, ngạo nghễ cho các cầu thủ Việt Nam ở sân chơi khu vực không chỉ hiện diện từ kết quả, danh hiệu, thành tích từ SEA Games, AFF Cup hay trước đó là vòng loại World Cup với hiện diện của những đội tuyển Đông Nam Á mạnh nhất (Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam). Những hành động, ứng xử, giao tiếp của ông Park cũng truyền tới cho các cầu thủ một tâm lý không còn dè dặt, e ngại và run sợ trước các đối thủ trong khu vực.

Huấn luyện viên Park Hang-seo được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: Hoài Thu

Huấn luyện viên Park Hang-seo được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: Hoài Thu

Tháng 11.2019, trong một cuộc họp báo trước khi bắt đầu trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan tại vòng loại World Cup, ông Park thẳng thắn trách người đồng nghiệp Akira Nishino đến trễ giờ. Dù ông thầy bên phía Thái Lan chỉ muộn khoảng 6 phút do tắc đường, nhưng huấn luyện viên Park có lý do để đưa ra ý kiến.

Sau này trong một cuộc trao đổi với báo giới Hàn Quốc, ông Park cho biết đó là cách để người Thái Lan phải tôn trọng và không được xuề xòa với Việt Nam. Tương tự trong cuộc họp báo gần đây tại Singapore, huấn luyện viên Park Hang-seo thông qua báo chí thẳng thắn góp ý cách sắp xếp thời gian trả lời phỏng vấn cho tuyển Việt Nam của ban tổ chức địa phương. Đó là khi ông cùng Tiến Dũng phải tham gia trong thời điểm cả đội ăn trưa ở khách sạn.

“Tôi không muốn cầu thủ bị ảnh hưởng về giờ giấc, khung sinh hoạt” - thầy Park gay gắt. Nhiều người có thể cho rằng, ông Park xử lý thái quá, nhưng đây là cách để nhà cầm quân Hàn Quốc muốn vị thế của tuyển Việt Nam không bị xem thường trong bình diện khu vực.

“Nên nhớ, tuyển Việt Nam là số 1 Đông Nam Á, là đội bóng thuộc top 16 Châu Á. Chúng ta hãy ngẩng cao đầu ra sân và tự tin chiến đấu” - một cầu thủ nhắc lại lời dặn dò của huấn luyện viên Park Hang-seo, người đã thay đổi vị thế của bóng đá Việt Nam lên tầm đích thực của khu vực Đông Nam Á.

Có thể bạn quan tâm