Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Huế sẽ có Ngày áo dài để khẳng định áo dài không phải của Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Sở đang xây dựng đề án Ngày áo dài, khẳng định áo dài là của Việt Nam.

 Xuất hiện vào phút cuối trong show diễn của Ngô Nhật Huy, Hoa hậu Việt Nam 2016 trình diễn bộ áo dài được đính kết công phu trong vai trò vedette tại Festival Huế - Ảnh Đình Toàn
Xuất hiện vào phút cuối trong show diễn của Ngô Nhật Huy, Hoa hậu Việt Nam 2016 trình diễn bộ áo dài được đính kết công phu trong vai trò vedette tại Festival Huế - Ảnh Đình Toàn



Chiều 17.12, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Sở đang xây dựng đề án Ngày áo dài, khẳng định áo dài là của Việt Nam.

“Chúng ta có áo dài như ngày nay thì công người khai sáng là chúa Nguyễn Phúc Khoát rất lớn. Huế có thể xem như là quê hương của áo dài. Trong thế kỷ 20, trước năm 1945 thì gần như mọi người Huế đều mặc áo dài. Phụ nữ Huế còn mặc áo dài đi chợ”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, Bộ Chính trị vừa có Nghị quyết số 54 riêng về Thừa Thiên - Huế, theo đó định vị Huế là một đô thị di sản đặc thù của Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tìm cách giữ mọi yếu tố di sản của Huế. Áo dài là một trong những di sản quý của Huế. Ngày Áo dài là một chương trình dài hơi của Huế, để gìn giữ nét văn hóa của Huế”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, trong đề án văn hóa Ngày áo dài (hiện đang soạn thảo) có nhiều nội dung. Trong đó có nhiệm vụ phục hưng áo dài trong cộng đồng. Ông Hải cũng cho biết, hiện nay, Huế là một trong những nơi mà các nhà thiết kế áo dài, may áo dài truyền thống rất nhiều. Việc mặc áo dài ở Huế không chỉ quen thuộc với nữ mà cả với nam. Các làng quê ở Huế vẫn giữ nghi lễ phong tục đàn ông mặc áo dài.

Đặc biệt, trong Festival Huế 2020 tới đây sẽ có chương trình áo dài phong phú, gợi lại hình ảnh xưa. Từ hoạt động người dân mặc áo dài đó, Huế sẽ hướng tới việc phục hưng áo dài ở địa phương này.

“Trên nền tảng áo dài truyền thống, chúng tôi cũng sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật áo dài, trong đó có trọng tâm là show diễn áo dài của festival. Năm nay, bối cảnh của nó là cầu Trường Tiền và tuyến đi bộ ở Nam sông Hương. Đây là tuyến đi lớn và đẹp, công chúng dễ tiếp cận, dễ dàng cho đạo diễn tôn vinh hình ảnh áo dài. Hình ảnh của Festival Huế sẽ rất đẹp”, ông Hải cho biết.

Quan điểm về phát triển áo dài của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế là bên cạnh các nhà thiết kế đã nổi tiếng, sẽ mời các nhà thiết kế trẻ để áo dài Huế tiếp tục phát triển chứ không phải đóng khung. Cũng trong Ngày áo dài, Huế sẽ tổ chức ngày hội tri ân tiền nhân là chúa Nguyễn Phúc Khoát với lễ dâng hương tại lăng của Chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Di sản văn hóa Việt

Cũng trong năm nay, hướng tới việc sẽ có Ngày áo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, miễn 100% giá vé tham quan các điểm di tích Huế đối với phụ nữ trong nước và quốc tế mặc áo dài trong ngày 8.3 và 20.10.

Trước đó, trang China Daily đã có bài đăng về một bộ sưu tập áo dài kèm theo phần chú thích đấy là những thiết kế có phong cách Trung Hoa (Chinese style). Về việc này, nhà nghiên cứu trang phục Trịnh Bách đánh giá: “Có ảnh áo dài như vậy rồi nói Chinese style là hoàn toàn không ổn. Nó giống như việc một tờ báo đối ngoại của Việt Nam đăng một cái ảnh sườn xám rồi gọi đó là Vietnamese Style thì rất tức cười. Nói Chinese style là vơ vào và hoàn toàn không có ý tốt gì ở đấy cả. Nghĩa là họ muốn cái gì của Việt Nam cũng là của họ. Rõ ràng bài báo đó không ổn”.

Cũng theo ông Bách: “Nó không phải câu chuyện văn hóa nữa, mà có thể thấy ý đồ chính trị. Nó cũng giống như bao nhiêu chuyện dựng đứng khác, như "đường lưỡi bò". Nó cho thấy ý đồ tham lam, muốn vơ tất cả của mình. Trong khi đó, từ điển thế giới đã ghi nhận từ “ao dai” và giải thích nó là áo Việt Nam”.

Với những diễn biến trên, có thể thấy việc Huế tổ chức Ngày áo dài sẽ một lần nữa khẳng định thêm việc áo dài là một di sản văn hóa của Việt Nam.


 



Theo Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng. Loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam...

Áo ngũ thân được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Tới năm 1836 - 1837, vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà, tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ (tức vẫn mặc áo tứ thân) đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để.

Từ đó, áo dài được phổ biến rộng trong cả nước. Sau này, trong những năm đầu thập niên 1930, họa sĩ Cát Tường là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống. Áo gọn hơn chứ không che kín thân kín đáo như trước. Ông cũng thêm yếu tố tạo hình mới vào áo dài như vai bồng, áo có cổ lá sen, tà áo hẹp hơn…



Theo Trinh Nguyễn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm