(GLO)- Đầu năm 2018, sản phẩm gạo Ba Chăm của Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai trồng tại xã Đak Trôi (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã được Ban tổ chức chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam công nhận là “Sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng”. Điều này đã mở ra cơ hội lớn để người dân Đak Trôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: “Ba” theo tiếng Bahnar có nghĩa là “lúa”, còn Chăm tức là người dân tộc Chăm. “Có thể giống lúa này do những người Chăm vùng Bình Định, Phú Yên tham gia hoạt động cách mạng thời chống Pháp đem lên và được người dân gieo trồng, gìn giữ cho đến ngày nay”-ông Cơ chia sẻ.
Giống lúa quý
Ba Chăm là một giống lúa quý. Vì đã qua một quá trình dài tương thích với khí hậu, thổ nhưỡng vùng Đak Trôi nên giống lúa Ba Chăm có sức đề kháng rất tốt. Cây hầu như không bị sâu bệnh, phát triển chỉ dựa vào nước trời. “Nếu đem bón phân hóa học, lúa Ba Chăm sẽ chỉ tốt cây, dễ đổ ngã và ít chịu đậu bông”-ông Phạm Ngọc Cơ chia sẻ thêm. Còn ông Nguyễn Văn Thanh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai-cho biết, thung lũng Đak Trôi, Đa Tơ Mal nằm trong vùng bán ngập của công trình Thủy lợi Ayun Hạ. Mỗi mùa mưa về, nước dâng cao đem theo một lượng lớn phù sa bồi lắng, cộng với vô vàn chất hữu cơ được lắng lọc từ lớp mùn lá trên các cánh rừng bao quanh theo dòng nước mưa chảy về thung lũng trở thành nguồn dưỡng chất tự nhiên quý báu để nuôi cây lúa. Bởi vậy, lúa Ba Chăm ở Đak Trôi luôn tốt tươi, thân cao lút đầu người.
Người dân Đak Trôi thu hoạch lúa Ba Chăm. Ảnh: L.H |
Lúa Ba Chăm chỉ trồng mỗi năm một vụ. Người Bahnar xuống giống lúa vào những ngày cuối mùa khô (thường vào tầm tháng 3-4) khi ruộng đồng còn hừng hực nóng. Từng hạt lúa Ba Chăm kiên trì giấu mình trong đất cả tháng trời, đợi những cơn mưa đầu mùa trút xuống mới nứt mầm vươn lên. Cứ thế, ròng rã suốt mùa mưa Tây Nguyên kéo dài từ tháng này qua tháng khác, cây lúa Ba Chăm sinh trưởng, phát triển nhờ vào nước trời và dưỡng chất tích tụ trong đất. Khi những cơn mưa vơi dần thì hạt lúa Ba Chăm cũng thành hình. Sau vụ thu hoạch cho đến tháng 4 năm sau, người Bahnar ở Đak Trôi lại phơi ruộng, cho đất nghỉ ngơi chờ mùa gieo sạ mới…
Trước đây, lúa Ba Chăm chỉ cho năng suất tầm 2,6 tấn/ha vì trồng trên đất dốc, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Hiện nay, nhờ một số diện tích có thể tận dụng làm cánh đồng ruộng bậc thang giữ nước, năng suất lúa Ba Chăm đã tăng lên trung bình 3,2 tấn/ha.
Nâng tầm hạt gạo Ba Chăm
Toàn xã Đak Trôi hiện có khoảng 360 ha lúa, toàn bộ là giống lúa Ba Chăm. Ngoài Đak Trôi, các xã lân cận như: Đê Ar, Lơ Pang, Kon Chiêng, Kon Thụp… hiện vẫn còn lưu giữ giống lúa Ba Chăm. Tuy nhiên, lúa Ba Chăm trồng ở Đak Trôi cho chất lượng gạo ngon nhất.
Nhận thấy giá trị của giống lúa này, Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện dự án phục tráng và sản xuất giống lúa Ba Chăm nguyên chủng; thời gian thực hiện dự án là 3 năm (2018-2020). Mục tiêu của dự án là khôi phục lại giống lúa Ba Chăm nguyên chủng, thiết lập chu trình sản xuất tối ưu nhất cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển giống lúa Ba Chăm trở thành đặc sản lúa gạo được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, góp phần giúp bà con Bahnar vùng Đak Trôi cũng như các địa bàn lân cận thay đổi điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập.
Phối hợp cùng Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai, xã Đak Trôi đã thành lập 3 nhóm sản xuất với 118 hộ thuộc 3 làng: Đak Hre, Đê Klong và Tơ Drah. “Sắp tới, xã sẽ xúc tiến thành lập hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ bà con nhiều hơn trong việc sản xuất giống lúa quý này”-ông Phan Văn Kỳ-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi-cho biết. Cũng theo ông Kỳ, hiện nay, sản phẩm gạo Ba Chăm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. “Xã Đak Trôi hiện còn tới 75% hộ nghèo và cận nghèo. Việc xây dựng thương hiệu đặc sản gạo Ba Chăm thành công chắc chắn sẽ là động lực quan trọng góp phần tạo ra đổi thay tích cực cho địa phương”-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi chia sẻ.
Lê Hòa